Điện Quang kém "rạng rỡ"
Mất mốc trăm tỷ và dòng tiền âm kể từ năm 2018, lợi nhuận của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tiếp tục “bốc hơi” trong nửa đầu năm 2019 và ghi nhận mức lãi bán niên thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Sự cố hỏa hoạn có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm của công ty Rạng Đông, song đó cũng chưa hẳn là cơ hội cho Điện Quang bứt lên vì khủng hoảng 2 năm gần đây của cty này chưa được giải quyết.
Mới đây, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã DQC-HOSE) công bố báo cáo tài chính bán niêm sau soát xét năm 2019 với kết quả lợi nhuận xuống thấp kỷ lục.
Cụ thể, nửa đầu năm nay Bóng đèn Điện Quang ghi nhận 410 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ. Tương ứng, giá vốn hàng bán giảm 12%, xuống còn 309 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 11 tỷ đồng và chỉ mang về cho Điện Quang 101 tỷ đồng nửa đầu năm.
Lý giải về vấn đề này, Điện Quang cho biết việc doanh thu sụt giảm là do tốc độ tụt giảm quá nhanh của các sản phẩm truyền thống so với cùng kỳ năm ngoái. Điện Quang cũng ngừng sản xuất một số mặt hàng truyền thống do không hiệu quả khi duy trì.
Một số chỉ tiêu khác của Điện Quang cũng kém tích cực đó là phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tính đến cuối quý II/2019 âm tới 5,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 2,9 tỷ; khoản lợi nhuận khác của DQC cũng âm 910 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 36 triệu đồng.
6 tháng đầu năm 2019, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Điện Quang âm 35,6 tỷ, trong khi cùng kỳ năm trước là 50,7 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp này đưa ra là do tăng mạnh khoản phải thu và các khoản phải trả tương ứng từ 25 tỷ lên 114 tỷ đồng và 29 tỷ lên (145) tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 18 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Điện Quang chỉ còn vỏn vẹn 20,6 tỷ bốc hơi 38 tỷ so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, giảm 67%. Đây cũng là kết quả kinh doanh bán niên thấp nhất của Điện Quang kể từ năm 2012 trở lại đây của doanh nghiệp này.
Cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Điện Quang đạt 1.541 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm từ 1.503 tỷ xuống còn 1.165 tỷ đồng, do doanh nghiệp giảm đầu tư tài chính ngắn hạn.
Cũng theo báo cáo tài chính của Điện Quang, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 137 tỷ đầu kỳ giảm xuống chỉ còn gần 99 tỷ. Toàn bộ khoản vay nay được DQC vay từ ngân hàng TMCP Quân Đội. Vay dài hạn của DQC là 91 tỷ đồng tại Vietcombank. Tổng nợ phải trả giảm từ 780 tỷ xuống còn 582 tỷ đồng, chiếm gần 61% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Thiếu than cho nhà máy nhiệt điện: TKV yêu cầu Nhiệt điện Quảng Ninh ký hợp đồng dài hạn
06:00, 30/11/2018
Lý do bà Hồ Thị Kim Thoa thoái gần hết cổ phần tại Điện Quang
01:04, 30/10/2018
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Điện Quang
16:19, 12/10/2018
Kinh doanh èo uột, báo cáo quản trị 6 tháng 2019 của Điện Quang cho thấy, Amersham Industries Limited, một quỹ thuộc quản lý của Dragon Capital đã liên tiếp bán ra cổ phiếu DQC trong nửa đầu năm nay và giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 12,012% xuống 5,6 %.
Một quỹ khác của Dragon Capital là Norges Bank cũng bán ra hơn 300.000 cổ phiếu DQC, giảm sở hữu từ hơn 2,4% xuống 1,3%, tương đương 415.500 cổ phiếu. Hiện, tổng cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài này chỉ còn hơn 6,9% tương đương gần 2,2 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đà rút vốn của nhà đầu tư ngoại, hồi cuối năm 2018, bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, người từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã bán hơn 1,6 triệu cổ phiếu DQC, thu về khoản tiền lên tới 39,1 tỷ đồng. Hiện tại, cựu Thứ trưởng Thoa chỉ còn nắm giữ 0,02% cổ phần tại Điện Quang, tương đương 6.415 cổ phiếu.
Được biết, liên tục từ cuối 2016, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đưa ra dự báo không mấy tích cực với Điện Quang. Không chỉ ảnh hưởng về mặt quản trị, liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa, hoạt động kinh doanh chính của công ty cũng trên đà suy giảm.
Mặc dù doanh thu vẫn tăng, và đạt trên ngưỡng nghìn tỷ, lợi nhuận của Điện Quang đã giảm liên tiếp bốn năm, sau khi đạt đỉnh 2014. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 110 tỷ đồng, giảm gần 65% so với mức đỉnh bốn năm trước. Biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của Điện Quang cũng giảm từ mức 35%, xuống dưới 20% do không còn lợi thế từ việc thanh toán lô hàng tồn giá vốn thấp.
Hệ quả là Điện Quang đánh mất vị thế so với chính đối thủ Rạng Đông trên sàn chứng khoán. Trước 2014, vốn hóa của Điện Quang thường gấp đôi Rạng Đông do quy mô vốn điều lệ cao hơn. Nhưng khoảng cách này bị san lấp vào giữa năm 2015 và một năm sau đó, vốn hóa Điện Quang chỉ bằng một nửa Rạng Đông. Tính tới phiên gần nhất, thị giá cổ phiếu RAL gấp gần bốn lần DQC.