Samsung có cạnh tranh với Thế giới di động?

Cáp Tần 20/09/2019 15:00

Samsung vừa khai trương thêm một cửa hàng Samsung Plaza tại Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là Plaza thứ 3 Samsung mở ở Việt Nam, tiến thêm một bước trong việc phát triển hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Bên trong Samsung Plaza. Ảnh: Tinhte

Samsung vừa khai trương thêm một cửa hàng Samsung Plaza tại Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là Plaza thứ 3 Samsung mở ở Việt Nam, tiến thêm một bước trong việc phát triển hệ thống phân phối tại Việt Nam. 

Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một hành động cạnh tranh với các nhà bán lẻ như Thế giới di động. Nhưng ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc điều hành ngành hàng điện tử nghe nhìn Samsung Toàn quốc, lại khẳng định:

Nếu nhìn kỹ lại thì không phải như vậy. 

Có vẻ như ông đang nói… thật. 

Samsung có thể có những toan tính khác, học hỏi từ một ‘đòn’ mà chính họ là nạn nhân vài năm trước.

Đòn ‘dằn mặt’ của Google

Google có Android. Với thị phần điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, Samsung chính là nhà phân phối Android số 1 của Google. Mối quan hệ giữa 2 hãng tốt đẹp, cho tới khi Samsung có ý định ‘lên mặt’ với Google.

Sau khi trở thành nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng Android phổ biến nhất, Samsung bắt đầu tìm cách để giấu đi Android – gián tiếp phủ nhận vai trò của Google. Samsung phát triển các giao diện riêng, thay đổi nhiều thành phần cốt lõi của Android, đưa nhiều ứng dụng của riêng mình đè lên các ứng dụng của Google. Thậm chí còn có ‘âm mưu’ phát triển hẳn một hệ điều hành thay thế Android.

Tất nhiên, Google không ngồi yên. Họ lập tức ra tay, mua luôn hãng Motorola Mobility, đồng nghĩa với lời tuyên bố tấn công vào thị trường điện thoại di động, cạnh tranh với Samsung. Google thủng thẳng phô trương thanh thế, trình làng 2 mẫu Motorola X và Motorola G được đón nhận tích cực, gặm vào thị phần của Samsung.

Tối hậu thư được đưa ra:

Samsung đầu hàng. Hai gã khổng lồ ngồi xuống ký một thỏa thuận hiệu lực 10 năm. Samsung phải ngoan ngoãn trả lại các ứng dụng của Google trên các máy Samsung, ‘bỏ rơi’ dự án hệ điều hành mới.

Chỉ hai ngày sau, Google thông báo ‘gả bán’ Motorola cho Lenovo, hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Theo các chuyên gia tính toán, Google lỗ khoảng 2 tỷ USD trong thương vụ mua bán Motorola, đổi lại họ có sự quy phục của Samsung. Lịch sử sau này cho thấy đó là một bước đi đúng đắn. Google có một nước cờ thông minh.

Chiêu cũ dùng lại

Bây giờ, Samsung lại đang ở vị thế của Google, và Thế giới di động thay thế cho Samsung thuở trước.

Chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh là nhà phân phối điện thoại di động, đồ điện tử hàng đầu Việt Nam. Họ thống trị gần 50% thị phần điện thoại di động, hơn 30% thị phần điện máy. Trong đó, hàng Samsung chiếm một phần lớn. Tất nhiên, Thế giới di động là một nhà phân phối quan trọng của Samsung.

Số cửa hàng của chuỗi Thế giới di động

Số cửa hàng của chuỗi Thế giới di động

Khi một nhà phân phối, bán lẻ chiếm được thị phần lớn, đóng vai trò quan trọng, họ sẽ có “quyền mặc cả” trong tay. Họ có quyền đòi chiết khấu cao, có khả năng gây áp lực để thay đổi chính sách với hãng.

Chủ tịch Thế giới di động, ông Nguyễn Đức Tài từng tuyên bố: “Chúng tôi có thể ‘dọa’ ngừng chơi với nhà sản xuất trong 3 tháng. Không có hàng của anh, tôi có thể bán hàng người khác. Nhưng không có tôi, anh sẽ rớt doanh thu”.

Samsung không dại gì đi cạnh tranh với Thế giới di động, biến một đối tác quan trọng trở thành đối thủ. Việt Nam là một trong những thị trường nước ngoài có thị phần cao nhất trên thế giới của Samsung, trên 40%. Tivi Samsung chiếm đến 43% thị phần, rất cao so với mặt bằng chung trên thế giới. 

Hơn nữa, việc phát triển bán lẻ tốn rất nhiều nguồn lực, một hãng thiên về sản xuất như Samsung khó có thể ôm luôn cả bán lẻ. Họ vẫn rất cần các nhà phân phối.

Nhưng tất nhiên, Samsung cũng không thể để yên cho các nhà phân phối lấn át mình. Và Samsung Plaza chính là “Motorola” của họ. Không chỉ Plaza, Samsung còn phát triển phương thức bán hàng D2C (Direct to Customer). Họ đang đẩy mạnh quảng cáo bán hàng trên Facebook, cùng đường link dẫn thẳng tới trang chủ của Samsung Vietnam. Dấn sâu vào thị trường bán lẻ.

Những động thái này gửi tới các nhà phân phối thông điệp: “Samsung cũng có thể tự bán hàng, không hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà bán lẻ Việt Nam”. Điều này sẽ hạ thấp xuống “quyền mặc cả” của những nhà phân phối lớn, như Thế giới di động. Trong tương lai, Thế giới di động có thể sẽ không còn nhiều sức mạnh ép chiết khấu cao với Samsung như trước.

Tuy nhiên, không giống như Google, chỉ dùng Motorola để dọa Samsung và bán ngay khi hoàn thành sứ mệnh, chuỗi Plaza của Samsung cũng góp phần vào công việc bán hàng, nâng cao hình ảnh ‘chính hãng’ với các tiêu chuẩn cao nhất của Samsung. Một phần cũng do kết quả kinh doanh gần đây của Samsung không mấy khả quan, cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành thử, trong tương lai sắp tới, có thể Samsung vẫn sẽ tiếp tục mở ra các cửa hàng bán lẻ kiểu Samsung Plaza, nhưng sẽ không ồ ạt, không tập trung nhiều sức lực vào việc bán lẻ, và không cạnh tranh với các nhà phân phối Việt như Thế giới di động với Điện máy xanh.

Cáp Tần