Gian nan cổ phần hóa Saigontourist
Saigontourist nằm trong nhóm cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối trên 50% đến dưới 65% vốn doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, Saigontourist thuộc diện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần đến hết năm 2020.
Vướng định giá doanh nghiệp
Được biết, kế hoạch cổ phần hóa đã được Saigontourist đưa ra từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều dang dở. Cụ thể, năm 2015, Ban lãnh đạo tổng công ty khẳng định cổ phần hóa ngay trong năm tuy nhiên, thực tế quá trình vẫn chưa được diễn ra.
Cho đến 2018, trả lời báo chí, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc cho biết Saigontourist và Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tiếp tục cổ phần hóa cùng một lúc.
Lúc đó, công ty phải tiến hành nhiều công việc liên quan như xác định giá trị doanh nghiệp, xác định các tiêu chí để lựa chọn cổ đông chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực... để chuẩn bị cho chiến lược phát triển sau cổ phần hóa.
Cũng theo ông Việt, lộ trình cổ phần hóa là vào năm 2018. Theo chủ trương chung, trong giai đoạn đầu, Saigontourist (gồm cả lữ hành) giữ lại 65% cổ phần.
Và cho đến hiện tại, cổ phần hóa của Saigontourist vẫn chưa diễn ra bởi số lượng tài sản rất lớn, trải dài từ Nam ra Bắc khiến việc định giá doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa Saigontourist gặp không ít gian nan.
Bên cạnh đó, cũng trong 2018, cổ phần hóa Saigontourist trở nên khó khăn khi Thanh tra TP HCM phát hiện doanh nghiệp này có 14 khu đất sử dụng sai mục đích, gây thất thoát lớn cho tài sản Nhà nước.
Theo kết luận, nhiều khu đất được UBND TP HCM giao cho Saigontourist đa số nằm trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9, quận Bình Thạnh. Các khu đất đa số được cho thuê lại mở nhà hàng, cửa hàng hay cho thuê kho bãi, văn phòng làm việc và bãi đậu đỗ xe...
Điển hình nhất, tại khu đất mặt tiền số 856 Quốc lộ 1A (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) có diện tích đến hàng nghìn mét vuông đang được Saigontourist cho hai đơn vị thuê mở công ty cũng như kho bãi. Cả hai đơn vị này đều kinh doanh về lĩnh vực xe cơ giới, vừa cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì… trong thời gian rất dài.
Khu đất 44/14 đường Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh, hiện tại là trụ sở CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp từ lâu không hoạt động, khu đất bị bỏ hoang.
Địa chỉ 1147 Xô Viết Nghệ Tĩnh, 1019 đường Bình Qưới, phường 28 quận Bình Thạnh, tương ứng là các Khu du lịch Bình Quới 1, 2, 3 do Saigontourist quản lý. Thế nhưng công ty chưa thực hiện đăng ký nộp hồ sơ theo quy định hoặc vi phạm các lỗi quản lý khác.
Địa chỉ số 18 Khổng Tử, Phường Bình Thọ, Thủ Đức hiện tại là Phòng Lưu Trữ của Saigontourist. Trụ sở này xây dựng sơ sài và không thường xuyên được sử dụng. Theo kết luận của Thanh tra thành phố, vị trí trên Saigontourist sử dụng không đúng mục đích, sai quy định.
Tại số 26 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, Thủ Đức, Saigontourist cho khách sạn Đồng Khánh thuê lại kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp Đồng Khánh đang tiến hành xây dựng lại cơ sở. Đây cũng là một địa điểm Saigontourist sử dụng đất không đúng mục đích.
Tại khu đất công số 2 Hàn Thuyên (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức), Saigontourist đang "xẻ" ra cho hai đơn vị thuê. Đó là một nhà hàng có tên là Hà Vịt và một quán mì cay NAGA với danh nghĩa hợp tác kinh doanh.
Saigontourist còn đang quản lý, sử dụng sai mục đích khu đất công khác ở khu đất số 129, 129A Nguyễn Huệ; khu đất số 1 đường Hoàng Việt; số 73G Võ Văn Ngân phường Bình Thọ, khu đất tại Ấp Long Thuận, phường Long Phước quận 7; khu đất tại Ấp Long Thuận, phường Long Phước, quận 2;…
Saigontourist đang làm ăn ra sao?
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tiền thân là Tổng công ty Du lịch TP HCM (Saigontourist) thành lập năm 1975. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 8 công ty dịch vụ lữ hành, 54 khách sạn, 13 khu du lịch và 28 nhà hàng.
Trong đó có 8 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao gồm Khách sạn Rex, Majestic, Grand, Caravelle, New World, Sheraton, Pullman SG Centre và Majestic Móng Cái.
Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại khu vực miền Nam như Continental Saigon, Kim Đô, Oscar, Đệ Nhất, Liberty Saigon Center… hiện cũng đều có vốn góp của Saigontourist.
Thông qua công ty con - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, Saigontourist hiện cũng là cổ đông lớn nhất tại Công viên nước Đầm Sen, một trong những công viên có doanh thu và lợi nhuận cao nhất cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phần hóa “hàng hót” Saigontourist
23:53, 23/08/2019
Gian nan định giá Saigontourist
06:00, 09/09/2018
Saigontourist rao bán 2,7 triệu cổ phần Eximland
04:42, 21/07/2017
Ngoài ra, Saigontourist còn nắm trong tay 4 công ty lữ hành gồm Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist; Công ty Cổ phần Du lịch Tân Định; Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Phú Thọ; 2 sân tập golf tại TP.HCM và nhiều câu lạc bộ casino, trò chơi có thưởng…
Như vậy, kể từ khi thành lập đến nay, Saigontourist đã đầu tư vào hơn 50 công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn trong nước và 9 công ty liên doanh có vốn nước ngoài, hoạt động tại các thành phố lớn trên khắp cả nước.
Về tình hình kinh doanh, năm 2018, Saigontourist ghi nhận 6.651 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 7% so với năm trước đó và mang về 983 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 15%.
Tính đến cuối năm 2018, Saigontourist có tổng tài sản đạt 11.903 tỷ đồng với vốn điều lệ 7.018 tỷ và 2.016 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là 3.639 tỷ đồng, mang về cổ tức và lợi nhuận được chia tổng cộng 449 tỷ cùng năm.
Cũng trong năm này, Saigontourist đã đưa vào khai thác khách sạn 4 sao Sài Gòn - Vĩnh Long gồm 84 phòng nghỉ, 2 sảnh tiệc City Hall và Centrall Hall sức chứa lên đến 1.600 khách còn nhà hàng Mekong sức chứa 400 khách.
Saigontourist bắt đầu vận hành và kinh doanh khách sạn 4 sao Sài Gòn - Phú Thọ vào 2018. Công ty cũng đầu tư xây dựng khu du lịch Sài Gòn -Ba Bể, dự kiến đưa vào hoạt động vào quí II/2019.
Saigontourist cho biết trong năm 2018, lượng khách du lịch đón tiếp phục vụ tăng 15%, công suất phòng bình quân khách sạn đạt 68%, tăng 4% so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt, chi phí thuê đất tại nhiều khu vực tăng. Một số công trình gián đoạn kinh doanh do sửa chữa, nâng cấp tái đầu tư; một số dự án tại trung tâm TP HCM triển khai kéo dài khiến lợi nhuận giảm.
Mặc dù có mạng lưới khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, lữ hành hoạt động trên toàn quốc nhưng Saigontourist vẫn chưa có dự án mang tầm quốc tế. Đây chính là điểm yếu so với một số tập đoàn kinh doanh du lịch, khách sạn khác. Năm 2019, công ty cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư dự án tại Nga.
Kế hoạch phát triển trong năm nay, tại TP HCM, công ty chủ trương đầu tư dự án công trình cao ốc văn phòng Saigontourist Tân Sơn Nhất, vốn đầu tư 228 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục thi công đưa vào khai thác dự án Bến tàu du lịch Nam Sài Gòn; triển khai công viên Cảng Bạch Đằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình mở rộng khách sạn 5 sao Majestic; nâng cấp Continental Hotel; dự án Sài Gòn Lion 5 sao ở 11 - 11C Công trường Lam Sơn; dự án khách sạn 4 sao 123 Lê Lợi…
Ở các tỉnh, thành khác, Saigontourist cũng dự kiến đẩy mạnh nhiều dự án, như chủ trương đầu tư dự án Sài Gòn - Suối Ớt (huyện Côn Đảo); khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Ba Bể (Bắc Kạn); xây mới khách sạn Sài Gòn – Duy Tân (Đà Lạt)…
Năm 2019, Saigontourist đặt mục tiêu tổng lượt khách tăng 6,2% so với năm 2018, doanh thu tăng 4,9%, Lợi nhuận gộp dự kiến tăng 4,4% lên 4.980 tỉ đồng.