Thép Hòa Phát trước “cơn sóng dữ ” thị trường
Mức tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát trong tháng 9 đạt sản lượng hơn 193.000 tấn, tương đương với tháng 8 nhưng giảm 12,7% so với mức 221.000 tấn của tháng 9/2018.
Theo Hòa Phát, trong 9 tháng vừa qua, sản lượng bán hàng khu vực miền Nam tăng mạnh nhất, gần gấp đôi cùng kì năm trước với 280.000 tấn. Tiếp đó là khu vực miền Trung với gần 300.000 tấn, tăng 53% so với 9 tháng 2018.
Đối với mảng xuất khẩu, thép cuộn của Hòa Phát được đón nhận tích cực tại các thị trường như Nhật Bản, Campuchia và một số quốc gia khác. Tổng lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 191.600 tấn, tăng trên 32%, chiếm gần 10% tổng sản lượng bán hàng. Bên cạnh thép thành phẩm, Hòa Phát còn cung cấp phôi thép cho các nhà máy cán trong nước. Riêng trong tháng 9/2019, Tập đoàn đã ký hợp đồng cung cấp 30.000 tấn phôi cho các đối tác trong ngành.
“Tổng cầu” trầm lắng
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Hiếu – Trưởng phòng Kinh doanh Thép Hòa Phát, tổng cầu thép xây dựng thời gian gần đây không mạnh do ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô, thời tiết mưa lũ nhiều nên hoạt động xây dựng cả dân dụng và dự án khá trầm lắng. Đây là các nhân tố chính khiến sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng không cao so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Thép Hòa Phát duy trì vị thế dẫn đầu
10:29, 05/09/2019
Thép Hòa Phát tiêu thụ hơn 235.000 tấn trong tháng 7
12:30, 03/08/2019
Thép Hòa Phát “đau đầu” vì giá quặng sắt lên cao
01:20, 05/07/2019
Còn theo nhận định của ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản suất. Trong những năm 2014-2015 giá thép giảm mạnh, xuất khẩu thép Trung Quốc đạt mức kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015. Nhưng kể từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc có chính sách đóng cửa các cơ sở nhỏ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các năm 2017 và 2018. Sức ép nguồn cung giảm, giá thép toàn cầu được cải thiện.
Sang năm 2019, Hiệp hội Thép Thế giới đã dự báo triển vọng tăng trưởng thép toàn cầu 2019 dự kiến đạt 1,820 tỷ tấn tăng 0,8% so với năm 2018. Đáng chú ý là lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc 7 tháng 2019 đã đạt 577 triệu tấn, tăng 9% so với năm trước.
“Hiện nay, sản xuất thép của Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới với 14,5 triệu tấn thép năm 2018. Thị trường Việt Nam cũng chịu tác động của sự biến động giá nguyên liệu sản xuất thép, chính sách bảo hộ ngành thép trên toàn cầu, và dư thừa nguồn cung đối với một số sản phẩm thép”, ông Đa cho biết.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng giá trị xây dựng đã giảm 7,9% trong 6 tháng đầu năm 2019 và điều này gây ảnh hưởng lên nhu cầu thép xây dựng. Trong khi đó, ống thép thậm chí còn tăng trưởng thấp hơn phân khúc thép xây dựng. "Bi đát" hơn nữa là phân khúc tôn lạnh khi tăng trưởng âm (-) 5% trong nửa đầu năm, phần lớn đến từ sự sụt giảm 19% trong xuất khẩu.
“Lao đao” chỉ trong ngắn hạn
Bên cạnh diễn biến kém thuận lợi từ ngành xây dựng, một yếu tố khác cũng gây bất lợi cho ngành thép là việc giá quặng sắt tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép. Cụ thể, từ mức trung bình 66 USD/tấn trong năm 2018, giá quặng sắt đã tăng gần gấp đôi lên mức đỉnh 125 USD/tấn trong tháng 7/2019, cao nhất trong 5 năm qua.
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn với 45% lượng thép xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi phòng về thương mại, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép sẽ tập trung khai thác thị trường nội địa vốn có dư địa tăng trưởng khả quan hơn thị trường nước ngoài.
Mặc dù ngành thép Việt đang trong cảnh lao đao nhưng VDSC cho rằng, điều này chỉ ảnh hưởng ngắn hạn lên kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Theo đó, nửa cuối năm 2019, Hòa Phát có thể tiếp tục chịu tác động của giá quặng sắt tăng cao khiến biên gộp dự báo giảm về 20% trong khi biên lợi nhuận ròng có thể chạm mức đáy do chi phí lãi vay cao hơn. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Hòa Phát kỳ vọng ở mức 8.612 tỷ đồng, tương đương năm 2018. Tuy nhiên, sang đến năm 2020, VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ vượt 12.000 tỷ đồng.
Vẫn theo VDSC, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ tăng cao (30% vào năm 2020) nhờ nhà máy thép Dung Quất. Thêm vào đó, khi hoạt động tối đa công suất, Dung Quất có thể đạt hiệu suất cao hơn các nhà máy thép hiện tại của Hòa Phát. Do đó, "ông vua" ngành thép này có thể nâng cao biên lợi nhuận chung và cải thiện lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, dòng sản phẩm mới – thép cán nóng - cũng sẽ cải thiện giá trị gia tăng cho mảng thép thẳng của Hòa Phát (bao gồm ống thép và tôn mạ).