Doanh nghiệp - hạt nhân của chuyển đổi số

Hà Hằng 06/10/2019 16:28

"Ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi và có cách nào để chuyển đổi số nhanh hơn không?".

là những câu hỏi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0.

Trả lời cho câu hỏi ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? ông Hùng khẳng định: "Đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make in Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu".

br class=

Khoảnh khắc phát sóng 5G và đưa vào khai tác hệ thống IOT

“Cách mạng” về thể chế, chính sách

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cũng khẳng định rõ: “Phải coi việc chủ động tham gia CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đánh giá, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, với mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển. Chính vì vậy, theo ông Bình, chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số và khi đó là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, gần như đồng quan điểm, ông Bình và ông Hùng đều cho rằng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. “Quan điểm này đòi hỏi các cấp cần cải cách mạnh mẽ, có nhận thức rõ ràng cũng như bản lĩnh để thích ứng, đồng thời, lường đón được những tác động của cuộc cách mạng”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

  Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì chính phủ phải đi đầu. 

“Muốn vậy phải có thể chế mở khuyến khích cho đổi mới, sáng tạo. Thực tế Quốc hội – Chính phủ số đã thể hiện được ở mức độ sẵn sàng, tới đây Chính phủ phải tập trung vào mô hình thông minh cho tất cả các đơn vị thông qua giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, về thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Về hạ tầng thì quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, Big Data, AI.

Bộ trưởng Bộ TTTT cho rằng, các nước như Việt Nam cơ hội bứt phá. Nhưng cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận. “Với tinh thần và quyết tâm của Nghị quyết 52, là Đảng đi trước làng nước theo sau, thì chúng ta tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp Việt Nam vượt lên” – ông Hùng nhấn mạnh.

Thúc đẩy mô hình mới

Điểm đầu tiên trong yêu cầu của Đảng chính là số hoá với nền tảng cơ bản là hạ tầng thông tin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng hạ tầng này lại đang gặp nhiều vướng mắc. “Để xây dựng nền kinh tế số phải liên kết dữ liệu với hạ tầng siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện pháp lý xây dựng như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến…”, ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Theo đó, TGĐ Viettel khẳng định, với lúc này, cấp phép nhanh và kịp thời là quan trọng nhất. “Chúng ta nên chọn phương án cấp phép nhanh gọn nhất, không nên đặt quá nặng việc thu ngân sách, nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, doanh nghiệp nào đầy đủ nguồn lực thì đi trước, doanh nghiệp mới thì đi sau”, ông Dũng nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CMC khẳng định: “Để phát triển trong cuộc cách mạng này, không chỉ cần hạ tầng thông tin mà còn cần hạ tầng pháp lý. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính phủ sớm ban hành quy định về chia sẻ, thông tin mở”.

Để tránh đầu tư lãng phí, Bộ TTTT có thể phải giám sát yêu cầu doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ mới nhất như 4G, 5G... “Chính phủ cũng cần nhanh chóng cấp phép Mobile money, chuyển mạch tài chính số, thử nghiệm sản phẩm dịch vụ mới để sử dụng hiệu quả những hạ tầng chúng ta xây dựng ở trên”, ông Chính nhấn mạnh.

Hà Hằng