Khát vọng Tân Hiệp Phát
Ngày 15/10/2019, Tân Hiệp Phát tròn ¼ thế kỷ và nói như chị TRẦN UYÊN PHƯƠNG – Phó Tổng giám đốc: 25 năm qua, Tân Hiệp Phát đã cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu đa quốc gia.
Mục tiêu 25 năm tới của Tân Hiệp Phát sẽ là chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng toàn cầu - chị Phương nhấn mạnh.
- Thời gian gần đây, Tân Hiệp Phát cũng như cá nhân Trần Uyên Phương luôn có những cuộc trò chuyện mà như tôi cho rằng bạn đang truyền cảm hứng tới cộng đồng?
Nếu việc truyền cảm hứng tạo thêm sức mạnh để các doanh nghiệp Việt cùng nhau phát triển. Tôi luôn sẵn sàng. Tôi nghĩ câu chuyện đơn giản thế này: Nói đến doanh nghiệp là nói đến hành động và hiệu quả. Có hành động và dẫn đến kết quả thì đấy mới là bằng chứng đích thực của một doanh nghiệp.
Một trong những may mắn của Tân Hiệp Phát là đã mạnh dạn thay đổi nhận thức của xã hội trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp “ông lớn” nước ngoài. Chính bởi dám nghĩ, dám làm trong đầu tư cùng với việc chọn đúng đoạn thị trường chưa ai bước vào, với những bước đi từ 10 năm trước đã giúp Tân Hiệp Phát bắt kịp xu hướng, để nay có thể "chơi tất tay với ông lớn nước ngoài".
Tôi cũng tự hào khẳng định Tân Hiệp Phát đã cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu đa quốc gia. Trong 5 thương hiệu đứng đầu ngành giải khát, 4 thuộc sở hữu của các tập đoàn nước ngoài, duy nhất Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt vẫn đứng vững. Và tôi nghĩ đó cũng là nguồn cảm hứng tốt nhất cho cộng đồng.
- Ở góc độ cá nhân, là “nữ doanh nhân tỷ đô”, Phương luôn truyền tải mong muốn kinh doanh cho cộng đồng, nhưng với công ty có cả ngàn cá nhân, nguồn cảm hứng đó được lan tỏa thế nào để xây dựng đội nhóm vững mạnh?
Bộ phận marketing của tập đoàn có 70 người chỉ với nhiệm vụ làm cho người tiêu dùng hiểu được sản phẩm của Tân Hiệp Phát tốt như thế nào và họ có được lợi ích gì trong đó. Bên cạnh hoạt động quảng cáo marketing, những hoạt động CSR Corporate Social Responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) cũng là một trong những phần được chúng tôi quan tâm trong chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Để doanh nghiệp phát triển, họ cần đồng hành với sự phát triển của cộng đồng. Xuất phát điểm của tập đoàn là tồn tại để thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp là phục vụ một số nhu cầu của xã hội, Tân Hiệp Phát luôn giữ quan điểm: Có ích cho cộng đồng nhưng phải gắn với doanh nghiệp.
Trong 25 năm liên tục, Tân Hiệp Phát muốn đóng góp những câu chuyện của mình và những câu chuyện trong xã hội chia sẻ tinh thần cốt lõi của Tân Hiệp Phát: Không gì là không thể.
- Nhưng như chị nói, trách nhiệm cộng đồng là lấy con người làm nền tảng thì văn hóa đó cũng cần gắn liền với những chính sách cụ thể, thưa chị?
Ở Tân Hiệp Phát có 7 tiêu chí cụ thể để “đo lường sức khoẻ”. Đối với chúng tôi, cái gì không đo lường được sẽ không đầu tư.
7 tiêu chí này bao gồm: Chiến lược hoạt động của tổ chức doanh nghiệp; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường phân tích và quản lý tri thức; Quản lý phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức doanh nghiệp; Kế hoạch hoạt động của tổ chức doanh nghiệp.
Hay đơn giản hơn, khi đi đàm phán với đối tác, thông thường trước khi đám phán tôi thường lấy ý kiến của các phòng ban, từ kỹ sư - những người trực tiếp sử dụng, vận hành máy, đến phòng marketing - những người tiếp thị bán sản phẩm sản xuất từ máy đó, phòng nghiên cứu sản phẩm… Chính việc lấy ý kiến từ tất cả cộng sự như vậy giúp tôi lường trước được những rủi ro có thể gặp phải trong tương lai khi vận hành máy móc để đàm phán những điều khoản có lợi hơn cho công ty.
- Vậy chị có thể chia sẻ cách Tân Hiệp Phát nhìn nhận về lãnh đạo?
Chúng tôi có một văn hoá: mỗi lãnh đạo là một người thầy. Những người ở cấp quản lý đều phải đào tạo, dẫn lối cho cấp dưới của mình. Tân Hiệp Phát coi rằng ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để bày tỏ lòng biết ơn đối với họ, trong đó có hai người thầy sáng lập Tập đoàn là ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ. Đối với chúng tôi, người lãnh đạo không chỉ dẫn dắt về mặt kiến thức, mà còn thể hiện vai trò truyền cảm hứng cho nhân viên. Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu rằng, ở bất kỳ vị trí nào, người lãnh đạo chính là nắp của cái bình. Nếu như họ không tự cải tiến, thì doanh nghiệp không thể bứt phá và đứng vững.
Tố chất của một người kinh doanh là dám chấp nhận và mạo hiểm. Một doanh nghiệp càng muốn tạo ra sự đột phá, người thuyền trưởng càng phải sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Điều quan trọng là biết điểm mạnh của mình để nhìn ra cơ hội, nắm bắt và khai thác nó.
- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Tân Hiệp Phát đang dùng các chương trình này để... làm thương hiệu?
Thương hiệu là một quá trình để gây dựng nên. THP đã dành 25 năm để xây dựng nên những gì ở hiện tại và từ hiện tại này chính là tương lai của Tân Hiệp Phát. Chúng tôi không “ đánh bóng” mà kêu gọi những người tài – những con người nghĩ mình thừa khả năng và cùng khát vọng tạo nên dấu ấn bản thân bằng việc tạo nên các kết quả đột phá bằng cách đưa được thương hiệu Việt cạnh tranh toàn cầu và xếp hạng được trong top 10 các doanh nghiệp của toàn châu Á.
Một trong những vấn đề hết sức thách thức của Tân Hiệp Phát là làm sao xây dựng đội ngũ kế thừa. Từ “đội ngũ kế thừa”, mỗi người có thể hiểu ở một góc độ khác nhau nhưng làm sao tạo ra được những con người chia sẻ được cùng giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn là đưa sản phẩm Việt, thương hiệu Việt có mặt khắp nơi trên thế giới. Và chúng tôi không đi theo quan điểm “từ thiện”.
- Trở lại câu chuyện gắn kết cộng đồng, Uyên Phương nghĩ sao với mục tiêu phát triển bền vững: để không ai bị bỏ lại phía sau?
Trong văn hóa của Tân Hiệp Phát, chúng tôi không có người phía sau. 100% nhân viên của tập đoàn đều hiểu được rằng nếu muốn vươn lên vị trí cao hơn, họ cần phải đáp ứng được những yêu cầu như thế nào. Nếu bạn có đủ năng lực, đủ giá trị, tố chất và quan trọng nhất bạn mong muốn tổ chức phát triển thì chắc chắn vị trí đó sẽ thuộc về bạn.
Còn đối với cộng đồng, phương châm sống của tôi là lan truyền sự lạc quan cho những người khác. Tôi cho rằng đây cũng là một hình thức cho đi. Cho đi không nhất thiết phải mở quỹ từ thiện.
Chúng tôi cảm thấy, với công việc đang làm càng chia sẻ được nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
- Sau 25 năm xây dựng và phát triển, phải chăng Tân Hiệp Phát đã tự tin về thành công của mình? Và thông điệp của Tân Hiệp Phát muốn truyền tải trong thời gian tới?
Những gì mà Tân Hiệp Phát đã triển khai rất nhất quán trong 25 năm qua. Không chỉ tập trung vào mục tiêu phụng sự cộng đồng, chúng tôi không giấu diếm khao khát có được một doanh nghiệp Việt tồn tại hàng trăm năm.
Thương hiệu Tân Hiệp Phát đã, đang và sẽ bắt đầu hình thành và được ghi nhận ở những quốc gia khác nữa. Chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, lúc đó Tân Hiệp Phát ở Việt Nam sẽ là headquater, quốc gia khác sẽ gọi là local, ví dụ doanh nghiệp địa phương tại Mỹ, tại Anh, tại Australia, còn công ty mẹ hiện ở Việt Nam.
Chúng tôi muốn xây dựng một văn hoá mới để doanh nghiệp cũng là nơi tạo ra nhân tài. Và chỉ có như vậy, tuổi thọ của doanh nghiệp mới dài lâu.
- Xin cảm ơn và chúc Tân Hiệp Phát ngày một thành công.