Trước khi vướng "lùm xùm", Seven.AM kinh doanh ra sao?

Khánh Hà 13/11/2019 01:01

Mặc dù là thương hiệu có tên tuổi nhất định trong làng thời trang với 10 năm hoạt động nhưng kết quả kinh doanh của CTCP MHA lại cực kỳ khiêm tốn dù cho đang tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây.

Theo cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang Seven.AM) tăng vốn điều lệ từ 4,8 tỷ đồng lên 9,9 tỷ đồng hồi giữa năm 2018. Cũng trong năm 2018, Seven.AM đã 2 lần thay đổi người đại diện pháp luật, từ diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh sang một người khác là Nguyễn Vũ Mai Hương và cuối 2018 đến nay là Đặng Quốc Anh.

Cửa hàng Seven.am tại Thái Hà thông báo tạm ngừng hoạt động để bảo trì

Cửa hàng Seven.am tại Thái Hà thông báo tạm ngừng hoạt động để bảo trì

Tính đến tháng 5/2018, ông Nguyễn Vũ Hải Anh là cổ đông lớn nhất nắm 60%, ông Đặng Quốc Anh nắm 30% (ông Quốc Anh cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty này) và bà Nguyễn Vũ Mai Hương nắm 10%.

Năm 2009, thương hiệu thời trang công sở nữ Seven.AM của CTCP MHA ra mắt người tiêu dùng. Hiện, thương hiệu này có 23 cửa hàng, bao gồm 6 cửa hàng tại Hà Nội còn lại là các cửa hàng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Theo thông tin trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia thì nhiều khả năng MHA chỉ sở hữu các cửa hàng Seven.AM tại Hà Nội. Các cửa hàng tại các tỉnh có thể là các đại lý hợp tác.

Mặc dù là thương hiệu có tên tuổi nhất định trong làng thời trang với 10 năm hoạt động nhưng kết quả kinh doanh của CTCP MHA lại cực kỳ khiêm tốn dù cho đăng tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây.

Theo Tri thức trẻ, năm 2018 công ty đạt 17,4 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng hơn 70% so với năm 2017 và hơn gấp đôi so với con số 8,5 tỷ đồng của năm 2016.

Trong khi đó, một thương hiệu thời trang Việt có tên tuổi khác như NEM cũng có doanh thu tới 219 tỷ đồng năm 2017.

Tuy nhiên điều bất ngờ là mức lãi chỉ ... vài chục triệu đồng mỗi năm của MHA - tức không cả bằng nhiều shop thời trang nhỏ lẻ. Cụ thể, mức lãi trước thuế năm 2016 là 45 triệu đồng, năm 2017 lãi 79 triệu đồng và năm 2018 lãi gần 81 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ đạt 0,5%.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật sư nói gì về nghi vấn cắt mác Trung Quốc của SEVEN.am?

    Luật sư nói gì về nghi vấn cắt mác Trung Quốc của SEVEN.am?

    00:00, 13/11/2019

  • Seven.AM dính nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc gắn mác Việt

    Seven.AM dính nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc gắn mác Việt

    15:56, 11/11/2019

  • Seven.AM có lừa dối khách hàng?

    Seven.AM có lừa dối khách hàng?

    15:16, 11/11/2019

Liên quan tới vụ việc nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc gắn mác Việt của Seven.AM, sáng ngày 11/11, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã chia thành 05 Tổ tiến hành kiểm tra 05 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.AM. Qua kiểm tra, tổng số hàng hóa tại 5 cơ sở là 9.035 sản phẩm gồm: 5445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh không xuất trình được đầy đủ hoá đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Chính vì vậy, Đội QLTT số 14 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ. Cùng với đó, Đội QLTT số 14 đã tiến hành lấy 03 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.

Tới sáng 12-11 các cửa hàng thuộc hệ thống thời trang Seven.am tại khu vực Hà Nội đã đồng loạt đóng cửa và thông báo tạm ngừng hoạt động để bảo trì.

Khánh Hà