Doanh nghiệp gỗ cần "vững vàng" khi vào thị trường Ấn Độ

Phương Thanh 23/11/2019 00:00

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần chuẩn bị tâm thế ứng biến trước cáo buộc điều tra chống trợ cấp bán phá giá của Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – Ấn Độ.

 Sản lượng xuất khẩu ít

Trước thông tin về việc sản phẩm ván sợi từ gỗ của Việt Nam xuất vào thị trường Ấn Độ bị cáo buộc về trợ cấp bán phá giá, ông Nguyễn Thế Việt - Giám đốc Công ty Gỗ Long Việt, Bình Dương cho biết: Kim ngạch gỗ, ván sợi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ chiếm tỉ lệ nhỏ, bởi giá tiêu thụ không cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ không có thiện chí vào thị trường này.

"Ngoài một số doanh nghiệp như: Công ty MDF Đông Hoa và Công ty MDF Quảng trị, Công ty MDF Kim Tín... xuất sang thị trường này thì các doanh nghiệp khác không mặn mà cho lắm. Theo đó tính đến thời điểm hiện tại thì Công ty MDF Đông Hoa và Quảng Trị đang rơi vào nghi vấn điều tra chống bán phá giá của Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) Ấn Độ, do hai doanh nghiệp trên có mức bán sản phẩm ván sợi thấp hơn giá bán của các doanh nghiệp nội địa Ấn Độ trong thời gian dài...." Ông Việt nói.

fdgg

Sản phẩm ván sợi từ gỗ của Việt Nam xuất vào thị trường Ấn Độ bị cáo buộc về trợ cấp bán phá giá.

Khẳng định về vấn đề trên, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết; các sản phẩm ván sợ bằng gỗ ("Fiberboards") gồm các mã HS: 441112; 441113; 441114; 441192; 441193; 441194 của Việt Nam đang bị cáo buộc rằng các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã được nhận các khoản trợ cấp như ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi khoản vay, hỗ trợ xuất khẩu… của Chính phủ. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh với các hàng hóa của các doanh nghiệp Ấn Độ và các doanh nghiệp sản xuất vào Ấn gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ.

Theo đó Thời gian điều tra về trợ cấp đối với các sản phẩm trong nước có thời gian từ 04/2018 – 03/2019 (12 tháng); về thiệt hại thời kỳ điều tra trợ cấp tính từ: 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018.

Trong đó 10 tháng đầu năm 2019, gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam xuất khẩu ước tính đạt xấp xỉ 900 triệu USD, tăng gần 4,4 % so với tháng trước, góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đạt 8,4 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên sản phẩm ván sợi từ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ đạt khoảng 13 triệu USD cho 9 tháng đầu năm 2019, chiếm xấp xỉ 1,2% cho tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sẵn sàng tâm thế

Nhận định về vấn đề trên, ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Hiệp Long cho biết: "Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên có chiến lược thăm dò thị trường, tìm hiểu về quy định WTO, pháp luật về chống bán phá giá nhằm trang bị đầy đủ thông tin, chấp hành về điều khoản, quy định giao thương của các nước sở tại. Sự việc trên là vụ việc không mới nhưng nó là tiếng chuông cảnh tình đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi quyết định đưa ra chiến lược bán hàng với giá cạnh trạnh tranh..."

Trước thực trạng trên Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong vòng 40 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng điều tra, tất cả thông tin bằng văn bản, về việc hợp tác trả lời câu hỏi điều tra cần gửi tới Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, hạn cuối tính hết ngày 15 tháng 12 năm 2019.

Trong đó trường hợp không nhận được bản trả lời câu hỏi trong thời hạn nói trên hoặc các thông tin cung cấp không đẩy đủ được nộp theo đúng quy định, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán mức thuế chống trợ cấp.

Do vậy các doanh nghiệp xuất khẩu nên hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối) trong vụ việc này để được tư vấn, cung cấp thông tin, kháng kiện vụ việc một cách hiệu quả. Trước mắt các doanh nghiệp bị nghi vấn có thể bị áp thuế chống bán phá tạm thời.

"Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cân nhắc việc thuê luật sư am hiểu pháp luật tư vấn thêm về luật chống trợ cấp của Ấn Độ để hỗ trợ trong toàn bộ quá trình xử lý vụ kiện. Doanh nghiệp Việt chuẩn bị sẵn sàng tâm thế về tinh thần, chứng từ, hoàn thiện hồ sơ phục vụ cho quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam", Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Phương Thanh