Doanh nghiệp cần chủ động trước rào cản nhập khẩu của Trung Quốc
Tuy chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang đứng trước thách thức khi Trung Quốc tăng cường sản xuất nông sản và đặt ra yêu cầu an toàn thực phẩm ngày càng cao…
Việt Nam là nước xuất khẩu trái cây lớn nhất vào Trung Quốc, năm 2018 chiếm 25,32% thị phần
Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu trái cây lớn nhất vào Trung Quốc, năm 2018 chiếm 25,32% thị phần.
Đưa rào cản “kỹ thuật” “ngăn” trái cây Việt
Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu giảm 7,2 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Việc sụt giảm không hẳn do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc mà phần nhiều đến từ thực thi chính sách của Trung Quốc, siết chặt theo hướng càng ngày càng chính quy, thực hiện nghiêm ngặt với nông sản nhập khẩu trên tuyến biên giới và đất liền.
Bên cạnh đó, sản phẩm của Việt Nam cũng gặp phải cạnh tranh gay gắt từ các nước Asean khác như Philippines, Thái Lan vì Trung Quốc không chỉ cấp phép nhập khẩu trái cây cho Việt Nam mà nhiều nước khác. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, xuất khẩu trái cây sang thị trường này thiếu ưu đãi phần lớn 0% theo ACFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc).
Nhưng cái khó khăn nhất khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Dương cho rằng đó là rào cản quy định có tính chất “kỹ thuật” của thị trường Trung Quốc. Đó là xuất khẩu chính ngạch, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói theo tiêu chuẩn thương mại điện tử (mô hình blockchain ở Đông Hưng, Quang Tây).
Điều đáng nói, việc quản lý giám sát đối với hoa quả vào Trung Quốc rất nghiêm ngặt. Phải thuộc các vườn trái cây hoặc xưởng đóng gói được cơ quan Việt Nam đăng ký và Tổng cục hải quan xác nhận. Hoa quả xuất sang Trung Quốc phải được quản lý tiêu chuẩn kiểm dịch, bắt buộc phải làm thủ tục thẩm định kiểm dịch, có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan Việt Nam.
Đặc biệt, tem, nhãn mác trên bao bì phải in trên bao bì gốc trước khi sản phẩm xuất xưởng, không đưa hàng hóa đến cửa khẩu mới phun, in tạm thời… Trên bao bì phải ghi rõ ít nhất: tên gọi, xuất xứ, mã đại lý xưởng đóng gói…
Ông Vũ Văn Cường, chuyên gia Vụ thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, quy định kiểm nghiệm kiểm dịch nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc khá phức tạp, trải qua 5 bước (xin cấp phép, báo kiểm, kiểm tra hiện trường, kiểm tra tại Lab, kết quả), mỗi bước lại có nhiều bước khác nhau. Sản phẩm phải sạch sẽ, chưa sử dụng; có côn trùng gây hại, khuẩn, nấm, tạp cỏ, đất cát… hay không; đóng gói tại cơ sở được cấp phép không…
Đáng lưu ý, sản phẩm phải được kiểm tra, cấp mã số vùng trồng. Doanh nghiệp in mã được cấp lên bao bì hàng hóa. Sản phẩm phải có Giấy chứng nhận VietGap, GlobalGAP cho vùng trồng xin cấp mã số; sổ sách ghi chép (nhật ký canh tác, bón phân…)… Hàng hóa khi được kiểm dịch đạt mọi tiêu chuẩn bên Trung Quốc sẽ chỉ định cửa khẩu nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu vào Trung Quốc: Yếu thắng mạnh?
00:00, 22/04/2010
Giải bài toán xuất khẩu nông sản chính ngạch Việt Nam sang thị trường Trung Quốc
09:00, 26/10/2019
TH – hành trình thâm nhập thị trường Trung Quốc
15:00, 22/10/2019
Thấy gì từ chiến lược thâm nhập thị trường Trung Quốc của Vinamilk?
20:24, 16/10/2019
Thách thức doanh nghiệp sữa Việt tại thị trường Trung Quốc
12:00, 01/09/2019
Cạnh tranh thị trường Trung Quốc?
Ông Dương cho rằng, việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ. Sẽ khó phát triển nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu thị hiếu và quy định của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, nếu chúng ta chỉ duy trì cách làm tiểu ngạch, thiếu gắn kết… thì càng khó. Sẽ khó phát triển nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ từ các bộ, ngành và địa phương.
Để ứng phó được với các rào cảnh, theo ông Dương, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng chứ không đối phó. Doanh nghiệp tham gia ý kiến xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngay từ trong nước, tránh tình trạng hàng xuất khẩu chất lượng hơn hàng bán trong nước.
Và “nhìn xa hơn, coi các thị trường chất lượng cao như CPTPP và EVFTA như đích đến cuối cùng chứ không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khó hơn”, ông Dương nhấn mạnh.
Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, TS Trần Công Thắng khuyến nghị, trước mắt cần duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh cao. Mặt khác, tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường với một số mặt hàng tiềm năng như chanh leo, nơ, bưởi, roi, dứa…
Cần duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh cao
Cùng với đó, các bộ ngành liên quan theo dõi, cập nhật thường xuyên các quy định mới của thị trường Trung Quốc để kịp thời thông tin, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương có phương án, kế hoạch sản xuất.
Trong dài hạn, ông Thắng chỉ rõ các giải pháp như tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng theo yêu cầu phía Trung Quốc là đặc biệt quan trọng. Thúc đẩy các tỉnh xây dựng các mã số vùng trồng theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các kho lạnh bảo quản sản phẩm tươi ở gần các cửa khẩu tại tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh.
Ngoài ra, xây dựng và kiện toàn hệ thống cảnh báo dịch bệnh trực tuyến giữa hai nước. Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc để xây dựng các vùng chuyên canh xuất khẩu đảm bảo tiêu chuẩn và có hợp đồng dài hạn…
Với doanh nghiệp, ông Thắng khuyến cáo, không thực hiện xuất khẩu nông sản qua môi giới, không có hợp đồng và không chính thức. Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch; tổ chức liên kết để có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo xuất khẩu; cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc để có giải pháp kịp thời.