Thiếu kỹ sư CNTT trầm trọng, nhà tuyển dụng “khóc thét” giữa cuộc chiến ngày càng khốc liệt
Dù ngành CNTT tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ nhưng các nhà tuyển dụng vẫn rất vất vả để tìm kiếm nhân sự chất lượng cao nhằm giúp công ty phát triển nhanh chóng.
Theo báo cáo của Bộ thông tin và truyền thông, doanh thu toàn ngành 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt hơn 1.347.087 tỷ đồng. Trong đó, ngành ICT (CNTT và truyền thông) mang lại đóng góp lớn nhất.
Cũng theo công bố kết quả kinh doanh cùng thời điểm của tập đoàn FPT, khối công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 6.964 tỷ đồng và 855 tỷ đồng, tăng tương ứng 27,6% và thu 44,4 so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Dự đoán xu hướng nhân sự năm 2020
20:43, 05/12/2019
[QUỐC HỘI TUẦN NÀY] Tập trung công tác lập pháp và nhân sự
06:31, 18/11/2019
Sản xuất công nghệ cao và ngành hàng tiêu dùng "khát" nhân sự cấp cao
16:25, 07/11/2019
Điều đó cho thấy, ngành CNTT vẫn là “át chủ bài” của những công ty, tập đoàn lớn trong nước như Viettel, VNPT, FPT và đồng thời là “miếng mồi béo bở” thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế trong thời gian tới, bên cạnh các hãng CNTT hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Apple, Toshiba, Samsung…
“Các xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam đang bám sát sao những xu hướng mới tại các thị trường phát triển. Dựa vào đó, chúng ta có thể dự đoán rằng làm việc với dữ liệu lớn sẽ là một trong những đề tài nóng trong thời gian sắp tới.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy một nhu cầu khổng lồ cho ngành Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), cũng như những dự án xây dựng hệ thống Trí tuệ doanh nghiệp, phát triển các mô hình Máy học (Machine Learning) nhằm giúp đỡ SMEs giải quyết các vấn đề dựa trên cơ sở dữ liệu mà họ đang có”– Anh Kent Nguyễn, cố vấn công nghệ của 31 Seven nhận định.
Theo báo Zing.vn, ngành CNTT với số lượng khoảng 50.000 kỹ sư làm việc từ năm 2003 đã phát triển vượt bậc và tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến nửa đầu năm 2019, số lượng kỹ sư đã ở mức hơn 260.000 người, gấp khoảng 5,2 lần. Tuy nhiên, với đà phát triển về mặt số lượng và chất lượng của kỹ sư CNTT như hiện tại thì tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Theo khảo sát của ITviec, ngành CNTT sẽ thiếu khoảng 350.0000 – 400.000 nhân sự trong khoảng 2020. Điều đó đồng nghĩa các nhà tuyển dụng sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt nếu muốn chiêu mộ được những ứng viên sáng giá về làm việc cho doanh nghiệp.
Bên cạnh động thái hạ thấp các yêu cầu liên quan đến kinh nghiệm làm việc hay chứng chỉ chuyên môn, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng đào tạo lại cho những ứng viên mới ra trường miễn là họ có khả năng tiếng Anh tốt.
“Chúng tôi có nhiều dự án quốc tế ở các lĩnh vực công nghệ cao: Automotive, Telecommunications, IoTs… nên đòi hỏi ứng viên có trình độ tiếng Anh khá trở lên. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nếu chúng tôi nhìn thấy tiềm năng, tinh thần sẵn sàng học hỏi cũng như mong muốn trải nghiệm mới ở ứng viên, chúng tôi sẽ không ngại đào tạo họ” – CEO công ty NATAES cho hay.
Thậm chí, nhiều tập đoàn lớn như VinGroup hay FPT còn quyết tâm cạnh tranh bằng cách đặt hàng các trường đại học để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho những năm sắp tới.
Cá nhân anh Giang Martin Trần – Co-Founder & CEO của Restaff – House of Norway cho rằng giá trị của doanh nghiệp không nằm ở những đãi ngộ mà là ở việc xây dựng một môi trường với văn hoá và tác phong làm việc tốt. Đó mới là cách giúp tăng tính cạnh tranh và giữ chân nhân tài.
“Tại Restaff, chúng tôi muốn tạo ra một môi trường linh động, thúc đẩy tinh thần tự chủ, khiến nhân viên cảm thấy tự hào và có động lực. Chúng tôi nghĩ về cảm giác của nhân viên, muốn biết họ có hài lòng với công việc không, có cảm thấy được thử thách trong mức độ vừa phải hay có được đối xử công bằng hay không. Chúng tôi chỉ nhận những dự án dài hạn với khách hàng, nhằm tạo ra sự ổn định và có đủ thời gian để cân nhắc thấu đáo mọi thứ. Và nhân viên có quyền được nói ra những suy nghĩ của mình nếu họ có cảm giác gì đó sai trái mà không phải e sợ hậu quả.”
Dù sử dụng chiêu thức nào đi chăng nữa, chỉ khi doanh nghiệp hiểu những gì mà các kỹ sư CNTT thực sự mong muốn, họ mới có thể dẫn đầu cuộc đua.
Và dưới đây là những điều giúp nhà tuyển dụng thu hút ứng viên mà Itviec đã khám phá ra.
Lương, chế độ OT và… “gái xinh” là những điều khiến kỹ sư CNTT quan tâm nhất
Trước tiên, hãy cùng xem qua 7 yếu tố mà những kỹ sư ngành CNTT thực sự quan tâm là gì nhé (dựa trên 8.000 đánh giá công ty được gửi về cho ITviec).
1. Lương
Chủ đề lương chưa bao giờ hết “hot” với kỹ sư ngành CNTT nói riêng và người tìm việc nói chung. Vẫn còn có rất nhiều lời phàn nàn về mức lương chưa thoả đáng, chế độ lương thưởng mập mờ… Các nhà tuyển dụng nên lưu ý về vấn đề này nếu muốn cải thiện quân số kỹ sư CNTT cho doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát vừa được thực hện bởi ITviec, 26,1% tiết lộ mức lương cho nhân sự IT đã tăng hơn 20% và 41,3% cho biết lương nhân sự IT đã tăng thêm khoảng 10-20% trong 12 tháng qua (xem đầy đủ khảo sát tại đây).
2. Có OT hay không?
Khá bất ngờ những thực tế là vẫn rất nhiều công ty không trả lương OT hoặc lương OT bèo bọt, khiến cho nhân viên vô cùng bức xúc (đặc biệt là các công ty outsourcing). Có OT hay không, lương OT như thế nào là điều mà các kỹ sư CNTT cực kỳ quan tâm. Tin tuyển dụng càng làm nổi bật được yếu tố này càng “ghi điểm” với ứng viên.
3. Chỗ gửi xe thuận tiện
Tưởng không quan trọng nhưng toà nhà/ nơi làm việc có bãi giữ xe hay không, công ty có trợ cấp phí gửi xe hay không lại là điều mà các kỹ sư CNTT hết sức lưu ý.
4. Sếp tử tế
Đừng nghĩ nhân viên chỉ là việc vì lương, một yếu tố khác rất được họ quan tâm là cấp trên có năng lực chuyên môn không và cư xử với cấp dưới như thế nào. Họ có thể sẵn sàng ra đi nếu xảy ra mâu thuẫn với sếp.
5. Nhiều gái xinh
Nghe có vẻ thú vị nhưng đó là sự thật. Hơn 90% kỹ sư CNTT là nam nên mong muốn làm việc với nhiều đồng nghiệp nữa xinh đẹp cũng dễ hiểu.
6. Môi trường trong văn phòng
Các yếu tố thuộc về điều kiện làm việc: có rộng rãi, sạch sẽ không, có khu vực giải trí không…là điểm thu hút được sự quan tâm không kém. Nhà tuyển dụng nên cân nhắc đầu tư cho khoản này.
7. Đào tạo và thăng tiến
Không ai muốn dậm chân tại chỗ, nhất là những người làm việc trong ngành công nghệ với tốc độ thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Các kỹ sư CNTT rất coi trọng việc học hỏi và phát triển kỹ năng để bay cao hơn trong sự nghiệp.
Một số công ty như: NFQ Asia, BOCASAY, East Agile, TechBase Vietnam… đã rất nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý này, họ mang lại cảm giác hạnh phúc cho nhân viên trong quá trình làm việc và đáp ứng những gì mà nhân viên của họ thực sự quan tâm. Đó cũng là lý do khiến họ có tên trong Top 15 công ty IT tốt nhất năm 2019. Nói cách khác, họ đang là những người chiến thắng trong cuộc chiến giành nhân tài vô cùng khốc liệt.
Lương vẫn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc của kỹ sư CNTT
Theo thống kê sơ bộ thì hiện tại, mức lương trung bình dành cho 1 kỹ sư CNTT được đăng tuyển trên website ITviec.com đã tăng 13% so với cùng kỳ, từ 1009.98 USD lên 1141.28 USD.
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của hầu hết các ứng viên khi mà mức chênh lệch giữa mức lương kỳ vọng và mức lương thực nhận vẫn nằm ở mức cao 30-50%.
Có đến 43% số người được hỏi chia sẻ rằng họ muốn nhảy việc trong năm tới.
Những nguyên nhân nghỉ việc phổ biến nhất là: không hài lòng với mức lương hiện tại (32%), không có cơ hội thăng tiến(21%), công ty không có chính sách đào tạo và phát triển đúng cách (16%), mâu thuẫn với cấp trên (7%) và một số nguyên nhân khác.
1,5 năm là thời gian trung bình mà một kỹ sư CNTT (ở cấp Junior và Senior) gắn bó với một công việc. Đây là khoảng thời gian phù hợp mà họ nghĩ có thể học hỏi kinh nghiệm cũng như tích luỹ thêm dự án vào hồ sơ năng lực. Mức độ trung thành với công ty tăng dần khi họ đảm nhận các vị trí ở cấ quản lý như Project Manager hay CTO.
Theo khảo sát, các kỹ sư CNTT chỉ cảm thấy được tôn trọng và muốn gắn bó lâu dài hơn khi công ty có các chính sách phúc lợi phù hợp, đặc biệt là mảng đào tạo.
57% kỹ sư CNTT thừa nhận họ muốn làm việc tại các công ty nước ngoài bởi chính sách đào tạo rõ ràng, chuyên nghiệp và cơ hội làm việc trực tếp với nước ngoài hoặc làm việc on-site ở các quốc gia khác. Chỉ có 6% muốn làm tại công ty Việt Nam vì phù hợp với môi trường làm việc. Số còn lại không quan trọng loại công ty.
So với 10% muốn làm việc cho công ty outsourcing thì tỷ lệ người muốn làm việc cho công ty product cao hơn hẳn, chiếm 46%. Lý do là vì họ muốn được nhìn nhận tận mắt sản phẩm cuối cùng do chính tay họ phát triển chứ không đóng vai trò như một phần của dự án.
Ngoài ra, trước khi nhận offer từ nhà tuyển dụng, các kỹ sư CNTT còn muốn tìm kiếm một số yếu tố quan trọng: môi trường làm việc thử thách và thú vị, nhiều thời gian nghỉ phép hơn, cơ hội làm việc tại nhà…
Nhìn chung, tình hình nhân sự ngành CNTT trong năm tới sẽ tiếp tục biến động không ngừng, cung không đủ cầu. Nhà tuyển dụng vẫn phải “căng não” để tìm ra lời giải cho vấn đề thiếu hụt.
Ông Chris Harvey – CEO của ITviec dự đoán:“Với Big Data, Al và IoT, năm 2020 hứa hẹn sẽ là năm phát triển vượt bậc của các ngành công nghệ cao… và cũng là cuộc chiến gay cấn nhất dành cho các công ty công nghệ. Những công ty giành chiến thắng, tiếp tục phá vỡ kỷ lục doanh thu sẽ là những người tìm được câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để thu hút nhân tài”.