"Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P3)

Nha Trang 23/12/2019 01:00

Resco, Sawaco, Samco, VMS South, là những là những cái tên cuối trong danh sách 12 Tổng công ty Nhà nước được Kiểm toán nhà nước lựa chọn kiểm toán trong năm 2020.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành “Kế hoạch kiểm toán năm 2020” của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Theo đó, trong năm 2020, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 158 cuộc kiểm toán.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN lựa chọn một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện kiểm toán, nhằm đánh giá toàn diện việc hiện hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Có thể bạn quan tâm

  • "Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P1)

    00:00, 18/12/2019

  • "Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P2)

    00:40, 20/12/2019

  • "Điểm danh" những ngân hàng bị kiểm toán năm 2019

    11:00, 18/12/2019

  • Hàng loạt dự án

    Hàng loạt dự án "nóng" rơi vào "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước

    04:52, 16/12/2019

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin điểm 4 doanh nghiệp cuối trong danh sách 12 Tổng công ty Nhà nước được Kiểm toán nhà nước lựa chọn kiểm toán trong năm 2020.

Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco)

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco) được thành lập vào tháng 9/1998 với 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM, có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc.  Resco có trụ sở tại số 41 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM và có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Tính tới hết năm 2018 vốn điều lệ của Tổng Công ty là hơn 3.203 tỷ đồng.

Tổng Công ty Địa Ốc Sài Gòn được thành lập theo quyết định ngày 23/12/1997 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng Công ty Địa Ốc Sài Gòn được thành lập theo quyết định ngày 23/12/1997 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), và năm 2013, UBND TP.HCM cũng đã có Quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco. Nhưng đến nay, lộ trình thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty này đang dậm chân tại chỗ…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 31/12/2013, UBND TP HCM ký Quyết định số 7432 phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco giai đoạn 2013-2015.

Theo đề án tái cơ cấu, Resco thực hiện cổ phần hóa sau năm 2015, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trong giai đoạn 2013-2015, Resco sẽ cổ phần hóa 5 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (nhà nước sẽ giữ dưới 50% vốn điều lệ) gồm: Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Phát triển và kinh doanh nhà; Xây dựng thương mại Sài Gòn 5, Đầu tư địa ốc Gia Định, Địa ốc Bình Thạnh; bán bớt vốn đầu tư tại 10 doanh nghiệp; bán hết vốn đã đầu tư tại 13 doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Quyết định số 7432, trong giai đoạn 2013 -2015, có 5 công ty do Resco đang nắm giữ vốn điều lệ từ 100% sẽ được thoái vốn xuống dưới 50% vốn điều lệ và 8 doanh nghiệp do Resco nắm trên 50% sẽ được thoái vốn xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, 5 công ty TNHH MTV 100% vốn do Resco sở hữu thì 1 công ty cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 50%, 3 công ty Nhà nước nắm giữ tỷ lệ dưới 50% và 1 công ty Resco vẫn nắm giữ 100%, chưa đúng theo Quyết định 7432 đã được duyệt.

Trong khi đó, một số công ty tỷ lệ sở hữu của Resco trên 50% thuộc diện phải bán bớt vốn nhưng lại chưa thực hiện như Công ty cổ phần địa ốc 10 (Resco 10), Công ty cổ phần địa ốc Tân Bình và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Sài Gòn.

Tới hết năm 2018, Resco vẫn còn 4 công ty con nắm trên 50% vốn và 12 công ty liên kết, 6 công ty liên doanh.

Trong đó CTCP Địa ốc 10 (Resco 10) do Resco nắm 51% vốn và CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Nhà Sài Gòn (Intresco) do Resco nắm 16,15% vốn là hai đơn vị có nhiều tai tiếng nhất.

Cho đến đầu năm 2019, tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chỉ được Chủ tịch HĐQT Resco Nguyễn Phước Ngọc báo cáo hết sức ngắn gọn: “Hiện nay Resco đang xây dựng đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 7123 ngày 28/12/2018 của UBND Thành phố, trình cấp thẩm quyền quyết định”.

Như vậy, nếu tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có quyết định năm 2007, đến nay đã 12 năm trôi qua, nhưng lộ trình thoái vốn tại Resco vẫn đang nằm ở tình trạng “đang xây dựng đề án cơ cấu…”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm trễ cổ phần hoá và Nhà nhà nắm giữ cổ phần chi phối tại những công ty như Resco đang làm cho “sức khoẻ” của những doanh nghiệp này yếu đi.

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco)

Sawaco được thành lập năm 2005 theo mô hình công ty mẹ - công ty con với nhiệm vụ chính là sản xuất, điều phối mạng lưới nước sạch trong thành phố.

Từ năm 2014, TP HCM chủ trương đẩy nhanh việc cung cấp nước sạch với mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch. Trong năm 2018, Sawaco đã thực hiện cấp nước đạt 100% cho 1,9 triệu hộ dân tại 23/24 quận huyện (trừ huyện Củ Chi do CTCP Cấp nước Hạ tầng nước Sài Gòn đảm nhận). Sản lượng nước năm 2018 của Sawaco là 683 triệu m3 và tiêu thụ được 524 triệu m3.

Với sản lượng cấp nước trên, tổng doanh thu của Sawaco hiện đã xấp xỉ 5.000 tỷ đồng mỗi năm.

Mới đây, lấy lý do giá nước từ năm 2013 đến nay chưa được điều chỉnh, khiến tình hình tài chính của Tổng công ty bị ảnh hưởng, trong khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện “nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội”, Sawaco đã kiến nghị UBND TP.HCM điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch cho người tiêu dùng để Tổng công ty điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch với các đầu mối cung cấp.

Trước kiến nghị này của Sawaco, UBND TP.HCM cho biết đang xem xét dự thảo về việc tăng giá nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố lộ trình 2019 - 2022, do Sở Tài chính soạn thảo sau khi tham khảo nhiều ngành chức năng.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, giá nước hiện nay được áp dụng từ năm 2013, nên đã lạc hậu. Nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng nước khó được cải thiện, nâng cao. Vì vậy, sắp tới, Thành phố sẽ điều chỉnh theo hướng tăng.

Theo Dự thảo của Sở Tài chính, đối với hộ dân cư trên địa bàn Thành phố, giá nước năm 2019 tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 (hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3); năm 2020, giá nước bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Năm 2021, giá nước sẽ là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2022, mức giá là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, Sawaco sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt, phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019 - 2022.

Vấn đề ở chỗ, Sawaco hoạt động theo mô hình công ty “mẹ” nắm quyền chi phối các công ty “con” để kiểm soát giá nước sinh hoạt - một mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến đời sống dân sinh toàn Thành phố. Nhưng thực trạng của Sawaco lại đáng lo ngại, khi đầu vào và đầu ra nguồn nước sỉ lệ thuộc vào các công ty “con” đã cổ phần hóa với sự thao túng của cổ đông bên ngoài.

Cụ thể, ở đầu vào, theo chính báo cáo của Sawaco, doanh nghiệp này phải mua sỉ nước sạch của các nhà máy nước xã hội hóa và chi phí đều tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng tới 42% trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh.

Giai đoạn 2016 - 2018, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỷ đồng/năm. Mặt khác, giá mua sỉ nước sạch hiện nay đều tăng theo định kỳ hàng năm hoặc hai năm, như giá nước sạch của Công ty cổ phần BOO Nước Thủ Đức tăng 5%, của Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông tăng 5%/năm trong 6 năm đầu.

Còn với đầu ra, tại Kiến nghị số 2844 ngày 26/8/2019, Sawaco cho hay, doanh nghiệp này đang bán sỉ nước sạch giai đoạn 2015 - 2019 cho 6 công ty “con” đã cổ phần hóa để các công ty này cung cấp cho người dùng.

Tuy nhiên, Sawaco đã không ký được hợp đồng mua bán nước với Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (từ năm 2017 tới nay) và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (từ năm 2018 tới nay).

Lý do là, quyền quyết định ký kết hợp đồng của hai công ty này thuộc Hội đồng Quản trị, nhưng thành viên Hội đồng Quản trị là người đại diện vốn góp của Sawaco tại đây đã mất quyền biểu quyết.

Quyền này ở cả 2 công ty cổ phần nói trên đã rơi vào tay Công ty cổ phần Cấp nước, Cơ điện lạnh REE. Từ đó, đơn giá mua bán sỉ nước sạch theo ý của Sawaco không đủ số phiếu tán thành, nên không thể thông qua hợp đồng với 2 công ty cổ phần này.

“Hiện nay, với ảnh hưởng từ sự việc của Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định đã tác động đến việc ký kết hợp đồng giữa Tổng công ty với các công ty còn lại…”, kiến nghị do Phó tổng giám đốc Sawaco Nguyễn Văn Dụ nêu rõ.

Sawaco đã nhiều lần đối thoại, gặp gỡ các cổ đông lớn của các công ty cổ phần mua bán nước với mình, nhưng đều không thống nhất được mức giá.

Sawaco cũng đã tính đến “bước đường cùng” là xin cho phép chỉ đạo người đại diện vốn góp nhà nước của Tổng công ty tại công ty “con” ký hợp đồng để cấp nước.

Tuy nhiên, việc này vi phạm khoản 2, Điều 162, Luật Doanh nghiêp số 68/2014 và cổ đông lớn bên ngoài có quyền khởi kiện. Trong kiến nghị mình, Sawaco muốn Sở Tư pháp hỗ trợ pháp lý, nhưng Sở Tư pháp cũng không thể can thiệp luật.

Từ thực tế trên, đã nổi lên nỗi lo lớn: khi quyền quyết rơi vào tay cổ đông bên ngoài.

Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO)

Tiền thân Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) -TNHH MTV là Công xưởng Đô Thành thành lập năm 1975 và chuyển sang mô hình công ty TNHH MTV vào năm 2010. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó có SAMCO.

Theo kế hoạch, SAMCO thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn. Hiện SAMCO có điều lệ gần 1.797 tỷ đồng; như vậy giá trị phần vốn Nhà nước dự kiến thoái tính theo mệnh giá là khoảng 629-898 tỷ đồng.

Từ một công xưởng cơ khí ban đầu, SAMCO hiện đã phát triển thành một tổng công ty hoạt động trên 5 lĩnh vực chính bao gồm: sản xuất công nghiệp (sản xuất, lắp ráp ô tô các loại, đóng tàu), thương mại dịch vụ (kinh doanh ô tô các loại, phụ tùng), vận tải hành khách (khai thác bến xe, vận tải hành khách, lữ hành), vận tải hàng hóa (kinh doanh cảng biển, logistic), xây dựng công trình (cao ốc, khu phức hợp).

Những năm qua, doanh thu và lợi nhuận của SAMCO diễn biến không ổn định. Công ty đạt đỉnh doanh thu năm 2016 với con số hơn 8.200 tỷ đồng và đạt đỉnh lợi nhuận trước thuế 919 tỷ đồng năm 2017. Riêng năm 2018, lợi nhuận và doanh thu đều giảm sút, tương ứng còn 5.580 tỷ và 604 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2018, SAMCO ghi nhận tổng tài sản 6.783 tỷ đồng.

SAMCO được biết đến với hệ thống đơn vị thành viên lớn và đa dạng với 8 công ty con, 2 liên doanh và 15 công ty liên kết được phản ánh theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

SAMCO cũng sở hữu cổ phần trong những liên doanh khá nổi tiếng như hãng xe sang Mescedes-Benz Vietnam (30% vốn), Isuzu Việt Nam (20%). Bên cạnh đó, SAMCO còn có các hợp tác để phân phối hầu hết các hãng xe tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, FUSO, Lexus, Nissan, Chevrolet.

Ngoài ra, SAMCO còn nắm giữ 100% vốn bến xe Miền Đông (bến xe lớn nhất Sài Gòn), sở hữu 51% vốn bến xe Miền Tây (công ty có EPS cao nhất sàn chứng khoán), nắm 49% công ty xe buýt SaigonBus, 51% công ty vận tải Kumho Samco Buslines, 51% Bến bãi Vận tải Sài Gòn (quản lý bến xe An Sương)…

Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS South)

Trụ sở VMS South

Trụ sở VMS South

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, tiền thân là Ty bảo đảm hàng hải, thành lập ngày 03/10/1975. Năm 1983, đổi thành Công ty Bảo đảm hàng hải 2 trực thuộc Tổng cục Đường Biển Việt Nam.

Đến năm 1997, Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam, trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.

Năm 2005, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải II được thành lập trên cơ sở chia tách Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, sau đó đến tháng 05/2010 thì chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Tháng 05/2011, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1099/QĐ-BGTVT, chính thức thành lập Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam với 18 đơn vị thành viên thuộc 3 khối: bảo đảm hàng hải, hoa tiêu hàng hải và trục vớt cứu hộ.

Hiện nay, VMS South có 10 phòng, ban, trạm nghiệp vụ, 9 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 5 công ty TNHH MTV, 2 công ty CP vốn góp chi phối (trên 50% vốn điều lệ) và 2 công ty liên kết (công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ) đóng tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, TP. HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nha Trang