Lối ra nào cho Tisco II?

Khánh Hà 24/12/2019 01:14

Nhận định về dự án Tisco-II, một chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là dự án sở hữu nhiều "cái nhất": tốn thời gian xử lý nhất, mâu thuẫn về phương thức tháo gỡ nhất,...

TISCO II (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) dừng thi công từ năm 2013 đến nay, khiến tình hình tài chính Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lâm vào cảnh khó khăn; đặc biệt đời sống công nhân, người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Gánh nặng dở dang

Nhiều hạng mục trong dự án “đắp chiếu” từ năm 2013

Nhiều hạng mục trong dự án “đắp chiếu” từ năm 2013

Dự án Tisco - II có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, với gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim giá trị hơn 160 triệu USD, do Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) là Tổng thầu EPC, hiệu lực từ tháng 9-2007, thời gian thực hiện trong 30 tháng. Do bối cảnh chung ở thời điểm triển khai dự án gặp khủng hoảng kinh tế khu vực, khiến chi phí tài chính tăng quá cao, nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi. Vì vậy, đến năm 2013, dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so ban đầu), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn "án binh bất động" vì không bố trí được nguồn vốn.

Hiện tại, 93% thiết bị đã ở công trường nhưng cả ba hợp phần của dự án vẫn dang dở, khiến một số thiết bị đã lắp đặt ngoài trời bị xuống cấp sau một thời gian dài dầm mưa dãi nắng. Mặt khác, hợp đồng EPC ký giữa Tisco và MCC đến nay cũng phát sinh thêm nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm do gặp khó khăn về cơ chế. Theo tính toán, mỗi ngày dự án Tisco - II phát sinh khoản lãi ngân hàng hơn một tỷ đồng, càng để kéo dài lâu, thiệt hại càng lớn.

Khó khăn lớn nhất của TISCO hiện nay là dự án ngừng thi công, trong khi lãi vay tăng từng ngày. Tình hình tài chính đang khủng hoảng khi dự án không được tái khởi động kịp thời. Bên cạnh đó, do dự án tạm dừng và chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng cho vay vốn đã hạ mức đánh giá tài chính của doanh nghiệp xuống thấp, tăng lãi vay dẫn đến khó khăn lớn trong cân đối dòng tiền.

Nhận định về dự án Tisco-II, một chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là dự án sở hữu nhiều "cái nhất": tốn thời gian xử lý nhất, mâu thuẫn về phương thức tháo gỡ nhất, lãng phí một cách khó hiểu nhất v.v.

Với tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng, TISCO II từng được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho "anh cả" ngành thép phát triển. Tuy nhiên, dự án không những không đạt kỳ vọng mà còn là gánh nặng cho TISCO suốt nhiều năm qua. Những sai phạm trong quá trình triển khai dự án đều đã được công bố trong kết luận của Thanh tra Chính phủ; cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt giam nhiều cá nhân liên quan.

Liên quan đến dự án này, hồi tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Kết luận thanh tra cho rằng, việc triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO có nhiều sai phạm, xảy ra ở tất cả các khâu, có liên quan đến trách nhiệm của TISCO, Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), Bộ Công thương...

Thoái vốn nhà nước để cứu dự án?

Để giải quyết được vấn đề tồn đọng nêu trên, không còn cách nào khác là buộc phải thoái vốn nhà nước tại Tisco càng sớm càng tốt.

Đây sẽ là tiền đề để triển khai các nhiệm vụ khác như đàm phán giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong hợp đồng EPC với MCC một cách nhanh nhất theo phương thức của hai doanh nghiệp (DN) tư nhân với nhau; thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu DN, nhất là giúp tăng vốn điều lệ để triển khai dự án Tisco - II và bổ sung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, khi Tisco vẫn là DN nhà nước nắm cổ phần chi phối, bất kỳ một quyết định quan trọng nào trong việc đàm phán với MCC, theo quy định đều phải trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, chính vì vậy khiến thời gian phê duyệt bị kéo dài, dẫn đến khi hoàn thành các thủ tục, ra được quyết định triển khai, thì lại lỡ mất cơ hội.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Chính phủ phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO. Giải pháp thoái vốn được kỳ vọng giúp dự án TISCO II tìm kiếm được nguồn đầu tư, thay đổi phương thức quản trị, từ đó có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng nhiều năm qua.

Để khắc phục những khó khăn, Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp cho biết, trong những năm qua, Tisco đã chuẩn bị và thực hiện tốt nhiều giải pháp như sắp xếp, tổ chức sản xuất đồng bộ, có hiệu quả trong toàn hệ thống, phát huy sự đoàn kết trí tuệ, tìm giải pháp hạ giá thành bình quân trong các khâu, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị DN,...

Đáng chú ý, để bảo đảm nguồn vốn sản xuất, Tisco đã chủ động làm việc với các ngân hàng, đối tác cung cấp nguyên nhiên vật liệu, nhà phân phối, từ đó lập kế hoạch sản xuất trong từng kỳ nhằm giảm áp lực về tài chính, duy trì nhịp sản xuất ổn định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của Tisco vẫn là dự án Tisco - II.

"Sau khi được phép thoái vốn và tái cơ cấu hệ thống quản trị, mong muốn lớn nhất của ban lãnh đạo Tisco là được các ngân hàng tiếp tục cấp tín dụng cho vay vốn để khởi động lại Tisco - II và tạo điều kiện ưu đãi khoanh lại những khoản nợ gốc và lãi. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, chắc chắn Tisco sẽ đủ điều kiện để hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với các ngân hàng một cách sớm nhất", Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp cho hay.

Lãnh đạo TISCO cũng khẳng định nếu dự án giai đoạn II sớm được tái khởi động, đi vào sản xuất thì hoàn toàn có thể giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng vạn người khu vực phía Nam TP Thái Nguyên, đồng thời tạo thêm việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Lãnh đạo TISCO cũng tiết lộ có một số nhà đầu tư trong nước quan tâm đến dự án của công ty. Phía TISCO đánh giá đây là tín hiệu tốt và cho rằng với vị thế của TISCO trong ngành thép thì việc kêu gọi nhà đầu tư "giải cứu" dự án là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhà đầu tư chỉ trong một thời gian nhất định vì kinh doanh là phải chuyển động, họ không thể chờ mãi được. Cơ quan quản lý nhà nước cần có các cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư, sớm giải quyết những vướng mắc tại dự án.

Không phải ngẫu nhiên mà việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và dự án được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Bên cạnh ý nghĩa tích cực chung của việc đa dạng hoá thành phần các nhà đầu tư ở các dự án thì với riêng TISCO II, việc mời gọi nhà đầu tư mới, đặc biệt ở thời điểm này, còn có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của dự án.

Trả lời trên Lao Động về vấn đề thoái vốn tại dự án này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ở đây nhà nước cần phải dũng cảm. Trong đó, phải nêu được phần vốn đó là bao nhiêu, định giá như thế nào cho phù hợp. Theo ông Long, bởi ở đây còn có lực lượng lao động, chấp nhận thoái vốn là mất chứ không thể thoái là giữ được. Còn về việc phá sản có nên hay không, ông Long cho rằng, trong dự án này thì không nên. “Nhà nước không thể góp vốn vào nữa, nhưng cần phải khôi phục lại bằng cách để cho nó thoái vốn” - chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc kêu gọi nhà đầu tư vào để vực dậy dự án là phương án tối ưu hiện nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán dòng vốn, tổng số vốn "đổ" vào để có thể tiếp tục triển khai dự án này. Ông Hiếu khẳng định phương án này cũng bảo đảm nguyên tắc không "rót" ngân sách để cứu các dự án thua lỗ mà Chính phủ đề ra. Dù vậy, với một dự án "đắp chiếu" như thế này thì Chính phủ cần có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền. Bước đầu, nên tính toán chính xác số tiền cần để có thể tái khởi động dự án cho đến lúc hoàn thành, từ đó làm cơ sở cho các nhà đầu tư cân đối.

Có thể thấy, việc nhanh chóng thoái vốn nhà nước khỏi Tisco và quyết liệt triển khai các giải pháp của đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương sẽ là nút thắt đầu tiên cần tháo gỡ, tạo điều kiện về cơ chế tự chủ và vốn để giải quyết những tồn đọng khác của dự án Tisco - II.

Nghĩa vụ bảo lãnh khiến TCty Thép Việt Nam khó thoái vốn tại TISCO II

Theo Quyết định 1468/2017 của Thủ tướng Chính phủ, phương án xử lý ưu tiên đối với Tisco II là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Tisco II. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công mới xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án như bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.

Tuy nhiên việc thoái vốn của TCty Thép Việt Nam (VNSTEEL) tại TISCO theo lộ trình được phê duyệt từ 65% xuống dưới 30% ngay từ ban đầu gặp khó khăn rất lớn do việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSTEEL với một ngân hàng vẫn chưa thực hiện được.

Chủ tịch HĐQT VNSTEEL Nghiêm Xuân Đa tại đại hội cổ đông 2019 mới đây thừa nhận, việc thoái vốn của TCty tại TISCO vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về trách nhiệm bảo lãnh của TCty với khoản vay của TISCO. Sau khi bàn giao xong quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công Thương sang SCIC, VNSTEEL sẽ cập nhật lại đề án tái cấu trúc của TCty, báo cáo TCty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và khẩn trương tiếp tục thực hiện việc thoái vốn.
Về hướng xử lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay trọng tâm là triển khai thực hiện phương án thoái vốn theo 2 trường hợp là giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC và giải chấp được bảo lãnh của VNSTEEL với ngân hàng; và trường hợp không giải quyết được hai vướng mắc này, báo cáo TCty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNSTEEL về SCIC. C.N - C.H

Khánh Hà