19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đạt lợi nhuận 99.832 tỷ đồng

P.Nam 16/01/2020 17:32

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2019, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018.

Một số tập đoàn, tổng công ty đạt cao như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 396.846 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2018. Doanh thu toàn tập đoàn là 736,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt 20.347 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2018,... Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm. 

ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Hôi nghị tổng kết công tá năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Tổng nộp ngân sách hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty đạt 221.108,68 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018. Một số tập đoàn, tổng công ty nộp cao như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 88.143 tỷ đồng, tăng 50,4% so với năm 2018, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 41.200 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2018, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam 11.371 tỷ đồng, tăng 3,1% so với năm 2018...

Tổng kim ngạch xuất khẩu của một số sản phẩm của một số doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt 2 tỷ 224 triệu USD.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết: Trong năm 2020 Uỷ ban sẽ: Khẩn trương hoàn thiện bộ máy tổ chức và cán bộ của Ủy ban để bảo đảm thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đồng thời, giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét để xử lý những công việc còn chưa hoàn thành của các tập đoàn, tổng công ty mà Ủy ban đã nhận chuyển tiếp từ các Bộ. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo các quy định của các Nghị định: số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 và số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ. Thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. 

Uỷ Ban cũng sẽ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty; phát huy vai trò của kiểm soát viên nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề tập đoàn, tổng công ty báo cáo xin ý kiến về hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, công tác cán bộ một cách khẩn trương nhất, đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương kiện toàn đội cán bộ quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty còn khuyết các chức danh cán bộ quản lý hoặc cán bộ quản lý bố trí chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chế độ luân chuyển, điều động cán bộ có đủ điều kiện giữa Ủy ban với các tập đoàn, tổng công ty và giữa các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty: Hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao. Đầu tư, phát triển theo kế hoạch được giao, bảo đảm có hiệu quả, phát triển bền vững. Xây dựng chiến lược phát triển 5 năm 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2035 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; Thực hiện Đề án tái cơ cấu và kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đúng nội dung, kế hoạch và tiến độ, công khai, minh bạch và quy định của pháp luật…”- ông Hùng chia sẻ.

P.Nam