Bài toán khó của VEAM
Từ một nhà máy hiện đại, được hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng, nhưng đến nay Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đang ngập trong khó khăn, bê bối.
Ngày 16/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc và Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ Nhà máy ô tô VEAM, để điều tra về hành vi tham ô tài sản theo quy định tại điều 353 bộ luật Hình sự.
Liên tục dính bê bối
Được biết C03 cũng đang mở rộng điều tra vụ án, xác minh truy tìm tài sản bất chính để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Nhà máy ô tô VEAM là dự án thuộc Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trực thuộc Bộ Công thương (địa chỉ ở TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Dự án được triển khai từ năm 2004 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là khoảng 600 tỉ đồng, bằng cách mua lại nhà máy cùng dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc với công suất thiết kế 30.000 xe tải và 3.000 xe khách/năm.
Kết luận Thanh tra của Bộ Công thương đầu năm 2019 cho thấy, đến 31.12.2018, tổng vốn đầu tư Tổng công ty VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỉ đồng và lỗ lũy kế 343 tỉ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm này là 2.950 xe, gây thua lỗ nặng cho Tổng công ty VEAM.
Cũng theo kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương,VEAM còn dính hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng vốn tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu như trường hợp nhà máy ô tô VEAM kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư 331 tỷ đồng.
Vụ việc điển hình nhất cho các sai phạm xảy ra tại VEAM, đó là việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto.
Tại thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại.
Bên cạnh đó, VEAM cũng thực hiện việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty nhưng không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐTV/Tổng giám đốc, theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định.
Cũng theo kết luận Bộ Công Thương, việc mua 3.000 bộ linh kiện tại VM không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐQT/Tổng giám đốc theo quy định. Nhà máy ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; không tham khảo và đàm phán giá theo quy định.
Trách nhiệm chính được xác định thuộc về ông ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014 và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018) cùng HĐTV và Ban Tổng giám đốc.
Liên quan đến tình hình hoạt động của Tổng công ty VEAM, đầu tháng 8.2019, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra ở VEAM và một số đơn vị thành viên.
Trong đó, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) để điều tra hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015.
Trong các bị can này, C03 áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung; áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.
Sóng gió chưa qua
Tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của VEAM, ông Ngô Văn Tuyển - Quyền tổng giám đốc VEAM cho biết, năm 2019 doanh thu tài chính của VEAM đạt 7.824 tỷ đồng, vượt 42% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 6.982 tỷ đồng, vượt 34% so với năm 2018 và 9% so với kế hoạch đề ra.
Cũng theo ông Tuyển, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc Tổng công ty gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ đã đặt thách thức lớn đối với VEAM trong năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Khó thoái vốn nhà nước tại VEAM vì liên doanh Honda, Toyota
07:28, 03/03/2019
Thách thức chào sàn của VEAM
11:03, 30/06/2018
VEAM chính thức lên UPCoM có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
21:50, 29/06/2018
Thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như ACV, PVOil, Vietnam Airlines, VEAM: Cửa đầu tư rộng mở?
12:00, 27/08/2017
Bên cạnh đó, một trong số vấn đề nổi cộm tại VEAM hiện nay đó việc phát triển nhà máy ô tô VM và số ô tô tồn kho “khủng”.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, lãnh đạo VEAM thừa nhận “hiện nay hoạt động của VM đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm Euro 4 chưa định hình ổn định, tồn kho sản phẩm Euro 2 rất lớn, tiêu thụ chậm, sử dụng vốn không hiệu quả”.
Báo cáo trước đó của lãnh đạo VEAM cho biết, lượng tồn kho của VM luôn ở mức rất cao so với doanh thu thực hiện hàng năm. Trong tổng số hơn 2.000 xe ô tô do VM sản xuất tồn thời điểm cuối năm 2018 thì nhiều xe khó tiêu thụ vì lỗi mốt.
Trong tờ trình cổ đông, VEAM cho biết việc giải quyết hàng tồn kho vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Ngô Văn Tuyển – quyền Tổng giám đốc VEAM cho biết lượng vốn tồn kho là hơn 1.000 tỷ đồng với số lượng hơn 2.400 chiếc. Việc sản xuất của nhà máy gắn với việc tiêu thụ.
Trong khi việc tồn kho khó giải quyết khiến hoạt động nhà máy càng khó khăn. Nếu giảm giá bán lại lo mất vốn trong khi đây là doanh nghiệp nhà nước.
Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại buổi làm việc với VEAM hồi tháng 8/2019.
Như vậy có thể thấy, từ một nhà máy hiện đại, được hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng, không chỉ đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại sự phát triển cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, nhưng đến nay VM đang ngập trong khó khăn, bê bối.