Các dự án “khủng” vào Việt Nam năm 2019 (Bài 1) "Mối duyên" Beer co Limited và Vietnam Beverage
Năm 2019 khép lại với những con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầy ấn tượng, ghi nhận những kỷ lục mới.
LTS: Theo báo cáo, trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong năm Việt Nam ghi nhận một loạt các dự án đầu tư nước ngoài trị hàng tỷ USD. Báo DĐDN "điểm danh" các dự án “khủng” vào Việt Nam năm 2019.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beer co Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD tại Hà Nội đã được thực hiện trong hai tháng đầu năm 2019. Khoản góp vốn nhằm mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.
Có thể bạn quan tâm
[VBF cuối kỳ 2019]: Doanh nghiệp FDI "phàn nàn" về Dự thảo luật đối tác theo phương thức công tư
12:09, 10/01/2020
[VBF cuối kỳ 2019] Ba ưu tiên quan trọng để hút đầu tư FDI nhanh và bền vững
10:08, 10/01/2020
[VBF cuối kỳ 2019]: FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam
10:02, 10/01/2020
Công nghiệp chế biến, chế tạo là “quán quân” trong thu hút đầu tư FDI năm 2019
00:20, 26/12/2019
Bộ lọc mới cho dòng vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch mới
11:00, 25/12/2019
Công ty TNHH Vietnam Beverage là công ty mẹ đang sở hữu 53,39% vốn điều lệ Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE:SAB). Từ cuối năm 2018, Vietnam Beverage đã tăng vốn điều lệ gấp 164 lần lên 111.890 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi doanh nghiệp này nhận thêm vốn góp từ BeerCo Ltd (hơn 111.209 tỷ đồng, tương đương 4,98 tỷ USD). Sau giao dịch trên, Vietnam Beverage chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước khi thay đổi, Vietnam Beverage là doanh nghiệp trong nước có vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng, do công ty CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Cuối năm 2017, Vietnam Beverage tham gia mua đấu giá cổ phần SAB của Bộ Công Thương sử dụng nguồn vốn đi vay ThaiBev/BeerCo cho doanh nghiệp này. Cũng chính vì khoản vay này mà tỷ trọng nợ nước ngoài của Việt Nam tiến sát ngưỡng trần cho phép 50% GDP.
Vietnam Beverage được Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội thay đổi vốn điều lệ từ 28/12. Do Vietnam Beverage trở thành doanh nghiệp nước ngoài, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sabeco cũng thay đổi từ đầu tháng 1/2019.
Khoản góp vốn, mua cổ phần có giá trị lên tới 3,85 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm là khoản góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 2 tháng đầu năm. Đứng thứ 2 về tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2019, các "đại gia" Hồng Kông vẫn đang ấp ủ nhiều dự án lớn "đổ" vào Việt Nam trong những năm tới. Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Hồng Kông có xu hướng tăng là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Đánh giá về việc dòng vốn Hồng Kông, Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam thời gian gần đây, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam đã tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do, việc các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông đổ xô vào Việt Nam khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn từ căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, dù là dòng vốn từ quốc gia nào và bao nhiêu thì cũng cần lưu ý tới vấn đề chất lượng dòng vốn. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng được các tiêu chí mới về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới như công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có tính lan toả, kết nối...
Động thái góp vốn của Beerco Limited tại VietBev có liên quan đến hoạt động tái cơ cấu khoản nợ và lãi vay có giá trị lên tới gần 5 tỷ USD được ThaiBev dùng để tài trợ cho thương vụ thâu tóm cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Việc chuyển đổi khoản vay giữa Vietnam Beverage và BeerCo giúp nợ nước ngoài của Việt Nam giảm 5 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả.