“Vòng xoáy” cúm corona: Doanh nghiệp Nghệ An, Hà Tĩnh “lao đao”

Tâm Đan –Ngọc Thái 08/02/2020 00:00

Hàng trăm công nhân người Trung Quốc trở về quê ăn Tết chưa thể trở lại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng và các KKT trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh làm việc do dịch cúm Corona.

Do các địa phương đặt vấn đề ưu tiên phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu, nên các doanh nghiệp đang phải loay hoay với bài toán bố trí phủ kín vị trí làm việc, ảnh hưởng không nhỏ tới dây chuyền sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị. 

p/Công ty FHS Hà Tĩnh lắp đặt thiết bị đo hồng ngoại tại cổng ra vào để kiểm tra sức khỏe của công nhân viên ra vào công ty.

Công ty FHS Hà Tĩnh lắp đặt thiết bị đo hồng ngoại tại cổng ra vào để kiểm tra sức khỏe của công nhân viên ra vào công ty.

Ưu tiên dập dịch Corona

Theo báo cáo mới đây của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS) Hà Tĩnh, hiện Công ty đang có 754 cán bộ, công nhân là người Trung Quốc. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, có gần 500 người về quê ăn Tết, nhưng đến nay vẫn chưa trở lại làm việc. Trước mắt, Công ty đã có thông báo cho tất cả nhân viên Trung Quốc này chưa trở lại làm việc trước ngày 15/2/2020 để phòng ngừa dịch Corona.

Sau thời hạn trên, những công nhân muốn trở lại làm việc, phải có giấy xác nhận sức khỏe đảm bảo của cơ quan y tế sở tại trong vòng 14 ngày. Ngoài ra, khi đi qua các cửa khẩu, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe.

  Các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch cúm Corona để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo đại diện Phòng Ngoại giao thuộc Công ty FHS, việc yêu cầu các công nhân tạm thời chưa quay trở lại làm việc sẽ ít nhiều gây khó khăn trong sản xuất, thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, phía Công ty chấp nhận thiệt hại về kinh tế và coi việc phòng chống dịch Corona là ưu tiên hàng đầu. Phía Formosa sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền Việt Nam để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên Formosa và người dân trên địa bàn Hà Tĩnh.

Tại Công ty CP Cảng quốc tế Lào- Việt cũng khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, siết chặt công tác thông tin, cảnh báo và kiểm soát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: “Để chủ động trong kiểm soát dịch bệnh, toàn bộ cán bộ, công nhân công ty đều được quán triệt đầy đủ thông tin về dịch bệnh; khuyến cáo cán bộ, công nhân, thuyền viên lên, xuống tàu rửa tay sát khuẩn tại chân cầu thang đi lên, xuống tàu; thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh để có thông báo kịp thời”.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp lữ hành "gặp khó" vì virus corona

    01:02, 31/01/2020

  • Viettel Post chung tay đẩy lùi dịch cúm Corona

    20:31, 31/01/2020

  • Cá tra Nam Việt "gặp khó" vì virus corona

    00:00, 05/02/2020

Cần hỗ trợ doanh nghiệp chống dịch

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết: "Cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương là khu vực cửa khẩu, nơi có nhiều tàu thuyền nước ngoài qua lại, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, đơn vị đã phối hợp với CDC Hà Tĩnh chủ trì các cuộc họp nhằm quán triệt tới các đơn vị, doanh nghiệp, đại lý hàng hải đưa ra khuyến cáo cần thiết với dịch bệnh nguy hiểm này.

Để giám sát chặt chẽ việc lây lan virus Corona, CDC Hà Tĩnh đã thành lập 3 đội cơ động và bố trí nhân viên trực 24/24 giờ, theo dõi sát các tàu biển đến từ Trung Quốc nhập cảnh vào các cảng: Vũng Áng, Xuân Hải, Sơn Dương và yêu cầu tất cả các thuyền viên đến từ Trung Quốc phải khai báo y tế.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: "Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Corona, đơn vị sẽ bố trí cách ly và thực hiện đúng theo quy trình phòng, chống dịch. Trung tâm cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp”.

Còn tại Nghệ An, Ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan nhanh chóng rà soát lao động, chuyên gia tại nhà máy, KCN trên địa bàn tỉnh về Trung Quốc nghỉ Tết chưa trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp, KCN trước đó sử dụng chuyên gia, lao động người Trung Quốc chưa quay trở lại Việt Nam cho đến khi tình hình dịch bệnh đã được khống chế tốt hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Corona, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh đang gặp không ít khó khăn do biến động về nhân sự, môi trường làm việc…
Trước vấn đề này, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo các địa phương, Ban quản lý các KKT cần có giải pháp đồng bộ trước mắt để sớm ổn định đời sống sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch cúm virus Corona.

Tâm Đan –Ngọc Thái