Doanh nghiệp làng nghề và bài toán khó giải
Làng nghề có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên, các làng nghề cũng đang gặp rất nhiều khó khăn cần cơ chế hỗ trợ phù hợp để duy trì và phát triển.
Hiện nay, cả nước có hơn 5.000 làng nghề, trong đó hơn 20 làng nghề nổi tiếng tiêu biểu như: Làng Gốm sứ Bát Tràng, Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, Làng Lụa Vạn Phúc, Làng tiện gỗ Nhị Khê, Làng gốm Thổ Hà, Làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Đồng Kỵ, Làng Tranh dân gian Đông Hồ, Làng Gốm Chu Đậu...
Nguồn nhân lực cho làng nghề còn thiếu
Với trên 40.000 cơ sở sản xuất trên cả nước, vấn đề thiếu lao động làng nghề vẫn là bài toán khó giải đối của lĩnh vực này.
Theo bà Vũ Thị Mai, Giám đốc công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai thì nguyên nhân sâu xa chính là việc thiếu chủ động trong công tác tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực tại chính quyền địa phương. Chính vì vậy, để phát triển được làng nghề thì phải có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút được nhiều thợ giỏi, thợ lành nghề và lao động thủ công tham gia làm nghề ở nhiều địa phương khác. Đồng thời phát triển về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng vì điều này giữ vai trò quyết định sức mạnh của nguồn lực con người.
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC XUÂN] Cuối năm về thăm làng nghề… “vít đầu thiên hạ”
05:00, 15/01/2020
Cần cơ chế hỗ trợ mạnh phát triển kinh tế làng nghề
14:11, 28/12/2019
Phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho làng nghề Việt Nam
09:51, 25/12/2019
Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làng nghề
13:49, 11/07/2017
Là chủ doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ, bà Vũ Thị Mai cho rằng cần "đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển nội lực hiện có của các làng nghề truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, quảng bá nhằm lan rộng những thương hiệu của các làng nghề truyền thống Việt Nam một cách quy mô, bài bản và chuyên nghiệp".
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ông Lưu Duy Dần, cũng nhận định: chúng ta nên đặt sự quan tâm đặc biệt cho việc đầu tư mọi mặt cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Tiên phong phải là công tác tuyên truyền giáo dục cho thế hệ kế cận về tầm quan trọng của làng nghề Việt Nam.
Cạn nguồn nguyên liệu, khó đầu ra
Làng nghề Gỗ Đồng Kỵ với trên 16.000 dân, trong đó có khoảng trên 200 doanh nghiệp và hàng nghìn xưởng sản xuất hộ gia đình. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Quý - Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Hưng Long - một trong những doanh nghiệp hoạt động tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ cho biết "hiện nay do thị trường xuất khẩu đang đóng băng, số lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu chỉ chiếm một phần nhỏ so với trước đây khiến các doanh nghiệp tại làng nghề rơi vào tình trạng khó khăn, một phần đóng cửa, một phần đi vào phục vụ khách nội địa, một phần tìm tòi các mẫu mới để phục vụ nhu cầu dân dụng theo xu thế thị trường..."
Không chỉ khó ở khâu xuất khẩu mà chính "đầu vào" cũng là bài toán lan giải, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho hay, để làng nghề có các sản phẩm đa dạng với giá thành hợp lý thì vấn đề nguồn nguyên liệu, tư liệu để sản xuất đóng vai trò quan trọng trong chu trình phát triển sản phẩm.
Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm làng nghề đang dần cạn kiệt bởi nhiều lý do. "dường như, chúng ta chỉ tập trung vào khai thác mà quên đi việc tái tạo và phát triển nguồn nguyên liệu", ông Hùng có biết.
"Điển hình như tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) hiện nay đã không còn diện tích đất hay quỹ đất để trồng dâu - nguyên liệu chủ yếu để nuôi tằm lấy kén tơ dệt lụa. Hay như làng mây tre đan Phú Vinh - Phú Túc, nón làng Chuông... cũng phải thu mua nguyên liệu từ nơi khác về để sản xuất" - ông Hùng dẫn chứng.
Muốn duy trì làng nghề truyền thống, trước hết cần đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp tại làng nghề yên tâm bỏ vốn đầu tư mà không phải băn khoăn, trăn trở. Theo ông Vũ Văn Quý, việc coi doanh nghiệp tư nhân tại làng nghề là động lực chính phát triển kinh tế tại địa phương, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì các loại hình này có vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho địa phương và xã hội. Tất cả các doanh nghiệp đang kinh doanh tại làng nghề không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế, được bình đẳng về hỗ trợ vay vốn, thuê đất, quy định kinh doanh.