Doanh nghiệp du lịch “tích cực” đối phó dịch COVID-19
“Đầu tư tâm huyết, tích cực nghiên cứu thị trường mới, địa điểm du lịch mới để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường trong cơn bão COVID-19”.
Đó là chia sẻ của ông Hồ Xuân Phúc – Giám đốc công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại Và Đầu Tư Hà Nội (Hanotours) khi trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát hiện nay.
- Ông có nhận định thế nào về tình hình kinh tế hiện tại? Những ảnh hưởng của đại dịch đến kinh tế cũng như ngành du lịch trong nước?Sau gần một tháng bùng phát, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Các mặt hàng nông sản không thể xuất khẩu, các khu công nghiệp có sử dụng các chuyên gia Trung Quốc thiếu nhân công vận hành hoạt động, nhiều lao động Việt Nam làm việc tại các công ty có liên quan đến Trung Quốc phải tạm nghỉ làm, các doanh nghiệp sản xuất nhập vật tư đầu vào từ Trung Quốc phải dừng hoạt động vì không có vật tư, các hãng hàng không phải hủy những chuyến bay đi và đến Trung Quốc, các tour du lịch bị hủy bỏ do tâm lý khách hàng sợ dịch, các nhà hàng, khách sạn, vận tải lữ hành điêu đứng vì không có khách…
Có thể nói ngành du lịch trong đó có Hanotours đang là nơi chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất kể cả du lịch quốc tế cũng như du lịch trong nước.
Về du lịch quốc tế, từ trước đến nay, Trung Quốc là nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Nhưng từ cuối tháng 1, Chính phủ Trung Quốc và nhiều nước đã đình chỉ các hoạt động du lịch cũng như các tour du lịch nước ngoài của công dân nước mình, cũng như lo ngại, hạn chế du lịch của bản thân người dân và khách du lịch đối với dịch COVID-19. Vì vậy, bên cạnh sự suy giảm mạnh của lượng khách Trung Quốc, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng giảm mạnh từ tháng 2 đến nay gây ra sự thất thoát lớn cho ngành du lịch.
Đối với lượng khách outbound, trước đây số lượng khách đi du lịch nước ngoài lên tới hàng chục triệu người, trong đó phần lớn là đi du lịch Trung Quốc. Hiện nay, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ (với các tour đi Trung Quốc và các nước có người bị nhiễm là chủ yếu), không lên kế hoạch đi du lịch… đã trở lên phổ biến. Ước tính gây thiệt hại cho ngành du lịch hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với mảng dịch vụ nội địa, nguồn thu cũng giảm mạnh, thông thường hàng năm số lượng khách đi du xuân, đi lễ dịp đầu năm rất đông, tuy nhiên, năm nay do Chính phủ có Chỉ thị tạm dừng và hạn chế nhiều hoạt động lễ hội, các sự kiện tập trung đông người nên số lượng khách đi du lịch mùa lễ hội đang ở mức thấp nhất trong những năm qua.
Dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy đến nay cũng chưa có một dự báo chắc chắn rằng bao giờ nó kết thúc. Tuy nhiên theo những dự báo khả quan thì dịch bệnh này có thể kết thúc vào khoảng tháng 3, tháng 4. Chúng tôi rất hy vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt và ngành dịch vụ sẽ khởi sắc trở lại ngay từ đầu mùa hè này.
- Doanh nghiệp hiện đang gặp những khó khăn gì? Xin ông chia sẻ về các hoạt động của công ty hiện nay?
“Bão” COVID-19 đã gây ra một cú sốc lớn với ngành du lịch Việt Nam nói chung và với Hanotours nói riêng bởi diễn ra vào đúng mùa du lịch cao điểm. Số lượng du khách giảm mạnh, các tour bị hủy hoặc khách hủy chỗ đã đặt do sợ dịch.
Trung Quốc vốn luôn là thị trường được Hanotours chú trọng với nhiều tuyến điểm từ các tour truyền thống đến các tour mới độc đáo. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, các cửa khẩu Trung Quốc đóng cửa, các tour đăng ký đi du lịch Trung Quốc trước đó đều bị hủy bỏ. Thêm vào đó, với tâm lý sợ dịch, nhiều du khách dù đã đăng ký đi các nước khác, các địa điểm khác cũng hủy tour gây thiệt hại lớn cho công ty.
Hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 3 ở Việt Nam sẽ là những tháng cao điểm về du lịch lễ hội, nhưng năm nay số lượng các tour du xuân lễ hội giảm mạnh khiến doanh thu đầu năm của công ty giảm chỉ còn không đáng kể.
Trong thời điểm này, chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động bình thường của công ty. Những ngày đầu bùng phát dịch, công ty đã cùng Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân và khách du lịch tại nhiều điểm du lịch trong thành phố Hà Nội để phòng dịch.
Cùng với đó, trong thời gian này công ty cũng tranh thủ đưa cán bộ, nhân viên của công ty đi học nâng cao nghiệp vụ hoặc tổ chức các buổi đào tạo tại công ty về tuyến điểm và áp dụng nhiều công nghệ mới trong công việc.
Tuy thời điểm này khách du lịch ít nhưng không phải là không có. Công ty hiện vẫn đang hướng các khách có nhu cầu đi du lịch tới các nơi chưa có dịch bệnh, nơi nắng ấm nhiệt độ cao và những nơi có dịch vụ y tế phát triển và quốc gia đó kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, tỷ lệ khách đi Trung Quốc của công ty giảm nhưng số lượng khách đi Châu Âu, Nhật, Mỹ,… vẫn duy trì.
Đây cũng là khoảng thời gian công ty nghiên cứu các thị trường mới, các điểm mới, tổ chức những chuyến tham quan khảo sát và lên chương trình sẵn sàng để khi dịch bệnh qua đi sẵn sàng gửi tới các quý khách hàng thêm nhiều lựa chọn khi muốn đi tour.
- Theo ông, cần có giải pháp gì để hạn chế những tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành du lịch?
Để hạn chế những tác động của COVID-19 đến du lịch trước hết phải tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ các phương pháp phòng tránh dịch bệnh, tránh hoang mang rối loạn bởi các tin đồn về dịch bệnh trên các trang không chính thống, chủ động tìm cách ứng phó dịch bệnh cũng như tìm những giải pháp thích hợp nhất để đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo tôi cũng cần có các chương trình kích cầu du lịch ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Trong đó phải xem xét các điểm đến, lựa chọn các điểm đến không có dịch bệnh hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách hàng.
Các công ty cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng tour, tổ chức, tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch ngay sau khi dịch bệnh được không chế, không đợi hết dịch mới triển khai.
Bên cạnh đó, tuy là trong thời kỳ khó khăn nhưng các công ty lữ hành cũng cần có kế hoạch giữ vững, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự công ty trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động: Đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại.
Theo tôi, chúng ta phải lạc quan hơn,phải truyền thông để khách hàng hiểu rõ hơn về dịch bệnh và cách phòng ngừa. Các doanh nghiệp phải củng cố, hoàn thiện hơn mình, chuẩn bị tiến những bước dài hơn trong tương lai. Và khi dịch bệnh qua đi thì ngành du lịch Việt Nam sẽ lại có cơ hội bật dậy.
- Xin cảm ơn ông!