Doanh nghiệp cần gì trong việc gỡ “điểm nghẽn” vốn đầu tư công của Chính phủ?

Lê Hà 05/04/2020 11:02

Doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn “kép”, đăc biệt là các doanh nghiệp tham gia các dự án có vốn đầu tư công.

Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FECON

Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FECON

Theo ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FECON , FECON là doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án lớn sử dụng cả nguồn vốn ngân sách và nguốn vốn ODA, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm, điện điện, hạ tầng đô thị như các dự án Metro, các dự án Thoát nước đô thị,…

"Trong quá trình thực hiện các dự án, hầu hết thủ tục hành chính vô cùng phức tạp. Tính phân cấp, phân quyền không rõ ràng dẫn đến một nội dung thiết kế thay đổi hoặc phát sinh chi phí rất nhỏ cũng phải lấy ý kiến bằng văn bản của rất nhiều cơ quan mới được thông qua. Thông thường nhà thầu thi công phải tự ứng vốn của chính doanh nghiệp mình để triển khai trước cả năm nhưng khi thu hồi vẫn gặp rất nhiều khó khăn", ông Khoa nói.

Công trường thi công dự án Metro Line 3

Công trường thi công dự án Metro Line 3, dự án có vốn đầu tư công tại Hà Nội

Cũng theo ông Khoa, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, với hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình công nghiệp quy mô lớn được đẩy nhanh đầu tư. Tôi mong rằng, các bộ, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, hãy thực sự đứng về phía doanh nghiệp để hiểu được những cái khó mà doanh nghiệp đang phải đương đầu, điều chỉnh lại các thủ tục hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công. Những “điểm nghẽn” này được khẩn trương tháo gỡ sẽ là một sinh lực lớn cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

"Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, về lâu dài và căn cơ nhất mà cộng đồng doanh nghiệp cần, đó là sự đồng nhất của các Luật, cụ thể là Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác Công tư (PPP) và Luật Đất đai điều chỉnh phù hợp với Luật PPP. Các nhà đầu tư rất mong muốn tham gia đầu tư nhưng không phải dễ vay vốn bởi chính sách của chúng ta chưa ổn định. Có rất nhiều nguồn vốn giá hợp lý trên thế giới có thể huy động vào cho các dự án hạ tầng tại Việt Nam, nhưng do chính sách của chúng ta chưa ổn định, cơ chế chia sẻ rủi ro chưa có dẫn đến các dòng vốn quốc tế vẫn dừng lại ở biên giới. Tôi nghĩ Luật PPP được thông qua và các luật liên quan điều chỉnh phù hợp với luật PPP mà gỡ được nút thắt lớn này thì nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành xây dựng và đầu tư hạ tầng nói riêng", ông Khoa cho biết thêm.

Lê Hà