Nợ chồng chất, Sông Đà vẫn được đề xuất chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam
Tổng công ty Sông Đà "bất ngờ" được Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ định thầu một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam, dù đang nợ ADB tới 114,8 triệu USD.
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.
Tổng công ty Sông Đà từng được biết tới là “ông lớn” nhà nước trong ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực thi công các nhà máy thủy điện trong và ngoài nước.
Ngoài xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La, Lai Châu..., những năm qua Tổng công ty Sông Đà đã thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện cũng phải ‘đắp chiếu’ vì không có việc làm.
Quá trình cổ phần hóa, bán vốn cho tư nhân tại Tổng công ty Sông Đà cũng không mấy suôn sẻ, dù được cổ phần hóa từ năm 2018 nhưng đến nay tỉ lệ sở hữu nhà nước tại tổng công ty này vẫn lên tới 99,79% vốn điều lệ.
Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại. Cụ thể, mới đây Bộ Tài chính cho biết nợ phải trả của Tổng công ty Sông Đà vào cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của “ông lớn” vào khoảng 2,8 lần. Tình hình công nợ của công ty mẹ Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết.
Trong đó, nợ phải thu tại Công ty CP Ximăng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng.
Sông Đà cũng đang đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng vào 38 công ty con, công ty liên kết. Trong đó, đầu tư vào các công ty con khoảng 3.500 tỷ đồng, công ty liên kết khoảng 2.500 tỷ đồng, góp vốn kinh doanh khoảng 150 tỷ đồng.
Một số khoản đầu tư của Sông Đà đã bị lỗ, mất vốn. Đó là các khoản đầu tư vào Công ty CP Sông Đà 3, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Phú Riềng Kraitie…
Đơn cử, Công ty CP Sông Đà 3 lỗ lũy kế 188 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà 12 âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà âm vốn chủ sở hữu hơn 11 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý tới khoản đầu tư tài chính khoảng 1.100 tỷ đồng của Sông Đà vào Công ty CP Điện Việt Lào. Sông Đà là cổ đông sáng lập Công ty CP Điện Việt Lào, nhưng đến nay công ty này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Công ty CP Điện Việt Lào đầu tư vốn vào 3 công ty con, trong đó có Công ty TNHH Điện Xekaman 3, nhưng dự án thủy điện Xekaman 3 đã dừng triển khai từ cuối năm 2016 do gặp sự cố trong thi công.
Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại Sông Đà giám sát chặt tình hình hoạt động của các Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến, Công ty CP Điện Việt Lào, Công ty CP Sông Đà 3, và một số công ty con khác để có giải pháp kiểm soát hiệu quả đầu tư vốn nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường công tác giám sát với Sông Đà và chịu trách nhiệm về các nội dung giám sát được phân cấp.
Có thể bạn quan tâm