Áp dụng QCVN20, doanh nghiệp thép không gỉ có nguy cơ bị “khai tử"?

DIỄM NGỌC 03/07/2020 07:00

Doanh nghiệp thép không gỉ Việt Nam có nguy cơ phải “khai tử" dây chuyền sản xuất bởi rào cản từ thông tư mới, khi áp dụng quy chuẩn QCVN20.

Rào cản từ chính sách

Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành xây dựng Quy chuẩn cho thép không gỉ QCVN20:2019/BKHCN “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ” (QCVN 20) được ban hành theo Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN ngày 05/12/2019, có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Thép không gỉ có nội dung quy định các chủng loại thép không gỉ khi sản xuất, nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam kể từ 1/06/2020 phải đạt tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 10356:2017), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực... và không áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở. 

Trước thông tư mới này, nhiều doanh nghiệp thép không gỉ đã lên tiếng. Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tổng Giám đốc Tập đòan Inox Hoàng Vũ (xin được giấu tên) cho biết, thông tư QCVN20 đưa ra nhằm nâng cao tiêu chuẩn sản xuất thép không gỉ trong nước, nhưng vô tình có thể trở thành “bản án” khai tử một số doanh nghiệp sản xuất loại mặt hàng này.

Cũng theo đại diện Tổng Giám đốc Tập đòan Inox Hoàng Vũ, thép không gỉ là loại mặt hàng nguyên liệu, vật liệu dùng để sản xuất ra rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường nhờ giá thành phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn tuỳ từng môi trường ứng dụng.

Tại các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Phi hiện nay như Hà Lan, Bỉ, Áo, Nigeria, Nga, Ucraina, Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... vẫn đang nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ các sản phẩm thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở do các nhà sản xuất công bố.

Việc chỉ cho phép lưu thông trên thị trường các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực,... mà dừng lưu thông các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở không những làm mất tính đa dạng của các loại sản phẩm, mà còn làm mất khả năng cạnh tranh và xuất khẩu mặt hàng thép không gỉ của Việt Nam ra nước ngoài. 

Tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường

Tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường

Một số doanh nghiệp khác cũng đồng thời kiến nghị, trong bảng Danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN20, đã liệt kê mã HS của hầu hết các mặt hàng thép không gỉ nhưng không có mã HS của chủng loại thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông và hộp chữ nhật (mã HS 73064090; 73066100). Đây đều là những chủng loại đang được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường và cũng là sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại các nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.

Như vậy, khi thông tư kể trên có hiệu lực, tất cả các loại thép không gỉ tại Việt Nam đều phải áp dụng QCVN20 thì riêng chủng loại ống, hộp thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở sẽ vẫn được lưu thông trên thị trường. Đây sẽ là cơ hội “vàng” cho các nhà sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Trung Quốc đưa hàng vào thị trường Việt Nam, dẫn đến các nhà máy sản xuất trong nước có nguy cơ đóng cửa vì không nhập được nguyên liệu. Việc này chắc chắn sẽ đưa trị giá nhập siêu ống, hộp thép không gỉ lên cao, các doanh nghiệp trong nước vốn đang chiếm lĩnh trên 90% thị phần với các thương hiệu đầy uy tín về ống thép không gỉ như Inox Hoàng Vũ, Tiến Đạt, Hoà Bình, Gia Anh...sẽ mất trắng thị trường vào tay các nhà sản xuất Trung Quốc” - đại diện một số doanh nghiệp lo ngại.

Ngoài ra, danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN20 vừa ban hành là danh mục của thép không gỉ dạng nguyên liệu. Trong khi đa số các sản phẩm thép không gỉ đang lưu thông trên thị trường là sản phẩm tiêu dùng dạng thành phẩm, được các nhà sản xuất trong nước làm ra từ nguyên liệu thép không gỉ.

Từ các mặt hàng của các tập đoàn có thương hiệu quốc gia như bồn nước Sơn Hà, Tân Á, đồ gia dụng Sunhouse, Gold Sun, Happy Cook, Hồng Phước Thành, đồ nội thất Quy Phúc, Duy Lợi... đến các mặt hàng tiêu dùng và xây dựng của các nhà sản xuất gia công vừa và nhỏ đang phủ sóng kín các vùng miền của đất nước, đều đang sử dụng nguyên liệu chính là thép không gỉ theo tiêu chuẩn cơ sở.

Đại diện Tổng Giám đốc Tập đòan Inox Hoàng Vũ nhấn mạnh rằng, khi áp dụng QCVN20, không chỉ các nhà sản xuất ra nguyên liệu như ống, hộp, tấm, cuộn, dây, cây thép không gỉ chịu ảnh hưởng, mà toàn bộ các nhà sản xuất hàng thành phẩm cũng phải bó tay chịu trận vì toàn bộ hàng tiêu dùng Trung Quốc vốn không nằm trong danh mục mã HS phải áp dụng QCVN20 sẽ phủ kín thị trường. 

Các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, vốn được các doanh nghiệp dầy công xây dựng hình ảnh và gìn giữ thị trường như bồn nước Sơn Hà, chậu rửa Tân Á, nồi xoong Sunhouse, Goldsun, bàn ghế nội thất Quy Phúc, võng xếp Duy Lợi… cùng rất nhiều sản phẩm Việt Nam khác sẽ tự nhiên không chiến mà bại ngay trên sân nhà. Hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng thép không gỉ có nguy cơ đóng cửa, dẫn đến hàng triệu người lao động có thể thất nghiệp. 

Gỡ khó cách nào?

6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thép không gỉ nói riêng đã chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều đơn hàng hoãn huỷ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Sau khi hết thời hạn cách ly, các trạng thái bình thường mới vẫn chưa kịp thiết lập, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục đối mặt với khó khăn về chính sách mới ban hành.

Theo chia sẻ từ đại diện một công ty sản xuất thép không gỉ, mỗi tháng công ty cho ra sản lượng khoảng 2000-3000 tấn thép, với lượng nguyên liệu sẵn có hiện nay đủ để doanh nghiệp đáp ứng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu sau đó không thể nhập được nguyên liệu đầu vào vì giá thành đẩy lên cao, tính cạnh tranh về sản phẩm giảm, thì doanh nghiệp có thể phải khai tử dây chuyền sản xuất để đảm bảo lợi ích. Đối với nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, nhiều khả năng phải đóng cửa vì đã mất trắng thị trường.

Các doanh nghiệp cũng gửi kiến nghị đến Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều cơ quan ban ngành nhằm mong muốn tháo gỡ các khó khăn trong giai đoạn tới. 

Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng thép không gỉ tại Việt Nam được áp dụng song song hai tiêu chuẩn chất lượng: TCVN10356:2017 theo QCVN20:2019/BKHCN và tiêu chuẩn cơ sở của các nhà cung cấp như WUHAN, TsingShan cho các chủng loại hàng hoá đang được cung cấp vào thị trường Việt Nam như: Hàng thép không gỉ dạng cuộn áp dụng tiêu chuẩn J1, J2, J3, WAH… Hàng thép Không gỉ dạng Dây: áp dụng tiêu chuẩn: 669, CU200...

Thứ hai, cho phép lùi thời hạn áp dụng QCVN20:2019/BKHCN đến 01/06/2025 để các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu các chủng loại nguyên liệu phù hợp với nhu cầu thị trường và nền kinh tế. 

Trước đó, tại buổi đối thoại ngày 24/6 vừa qua, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TDC) đã gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp thép không gỉ. Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng TDC khẳng định, sẽ nghiên cứu, xem xét một cách kỹ càng, nếu vướng mắc là đúng thì sẽ nghiên cứu tháo gỡ nhanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

DIỄM NGỌC