SAGRI kinh doanh "bết bát", bán đất giá "bèo"

NGUYỄN VIỆT 13/07/2020 04:00

Nắm trong tay hàng nghìn ha đất dự án, nhưng tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI) lại “đi lùi”.

Ngày 11/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Kinh doanh không khả quan, SAGRI cũng giảm mạnh khoản nộp ngân sách Nhà nước.

Kinh doanh không khả quan, SAGRI cũng giảm mạnh khoản nộp ngân sách Nhà nước.

Đồng thời Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can ông Trần Trọng Tuấn, phó chánh văn phòng thành ủy, nguyên bí thư quận ủy quận 3 và một số bị can khác. Được biết, những bị can này bị điều tra vì những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI).

Kinh doanh "bết bát"

Hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp với ngành trồng trọt và chăn nuôi luôn khả quan, doanh thu năm sau cao hơn năm trước và nắm trong tay hàng nghìn ha đất dự án, nhưng tình hình kinh doanh của SAGRI lại “đi lùi”.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2016-2018 của SAGRI đã thể hiện điều này. Trong khi năm 2016, tổng doanh thu từ các lĩnh vực mang về cho công ty 2.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 279 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của SAGRI trong năm này lần lượt tăng 4,43% và 26,37% so với năm tài chính 2015. Với kết quả kinh doanh này, SAGRI đã nộp vào Ngân sách Nhà nước tổng cộng 242 tỷ đồng.

Năm 2017, doanh thu của SAGRI bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, chỉ còn đạt 2.072 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế sụt giảm nghiêm trọng, xuống mức âm hơn 18 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả này, ban lãnh đạo SAGRI từng nói là do doanh nghiệp bị truy thu tiền thuế đất và phải nộp hơn 100 tỷ đồng.

Tình kinh doanh của SAGRI cũng không khả quan hơn trong năm 2018. Trong năm này, lợi nhuận chỉ đạt hơn 9,1 tỷ đồng, một con số quá nhỏ so với 3 năm trước đó. Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu giảm còn 1.366 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2016.

Kinh doanh không khả quan, SAGRI cũng giảm mạnh khoản nộp ngân sách Nhà nước. Năm 2016, mức nộp vào ngân sách là 242 tỷ đồng, sang năm 2017 còn 240 tỷ đồng. Năm 2018 còn 90 tỷ đồng và dự kiến năm 2019, SAGRI cũng đóng góp chưa đến 70 tỷ vào Ngân sách nhà nước.

Ngoài tình hình kinh doanh và đầu tư không mấy khả quan, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra những hạn chế của SAGRI trong việc quản lí các khoản đầu tư tài chính.

Tính đến 31/12/2017, công ty mẹ đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp, với giá trị sổ kế toán là 1.038,9 tỉ đồng.

Trong năm 2017, có 9/25 doanh nghiệp kết quả kinh doanh lỗ, 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 tính ra khoảng 383 tỷ đồng.

Tổng số dự phòng giảm giá đầu tư tài chính mà công ty mẹ phải trích lập theo quy định là 102,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, Kiểm toán phát hiện SAGRI không thực hiện trích lập.

Kết quả Thanh tra khẳng định hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động, dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp này bị tổn thất.

Bán đất giá “bèo”

Theo kết luận thanh tra Sở Nội vụ TP.HCM, Sagri cùng công ty có vốn góp đã có những thương vụ chuyển nhượng đất dự án tại TP.HCM và Phú Quốc (Kiên Giang) với giá rẻ hơn nhiều lần giá thị trường.

Chuyển nhượng đất chưa đến 1/10 giá thị trường.

SAGRI đã chuyển nhượng đất chưa đến 1/10 giá thị trường.

Cụ thể, công ty thành viên của SAGRI đã bán hơn 3,6ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/m2.

Về vụ việc này, người đại diện vốn của SAGRI (hơn 26%) tại Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) biểu quyết chuyển nhượng hơn 3,6ha đất tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) trước khi xin ý kiến hội đồng thành viên SAGRI là vi phạm quy định, đồng thời vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Từ việc này, đã có đơn tố cáo gửi đến UBND TP về việc Forimex bán đất giá bèo vì cho rằng giá thị trường cho loại đất này ở thời điểm đó là khoảng 3 triệu đồng/m2. Kết quả thanh tra cho thấy người đại diện vốn của Sagri tại Forimex đã biểu quyết việc chuyển nhượng khu đất sai quy định.

Vẫn theo kết luận thanh tra, năm 2016 SAGRI đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, Q.9 cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2).

Mức giá này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, SAGRI sử dụng 3,75ha đất hợp tác khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ là 28%, Tổng công ty Phong Phú chiếm tỉ lệ 78%.

Kết luận thanh tra chỉ ra SAGRI chuyển nhượng vốn góp là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty Phong Phú "nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường".

Ngoài ra, SAGRI đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch dự án và cam kết không trung thực về việc chưa huy động vốn khách hàng.

Bên cạnh các sai phạm chuyển nhượng đất, dự án, SAGRI còn có các sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" mà "không xin ý kiến của UBND TP, chưa được UBND TP chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất", như dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (Bình Chánh) sử dụng hơn 89ha đất; 2 dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 452ha (xã Phạm Văn Cội, Củ Chi) và 140ha (xã Phạm Văn Hai, Củ Chi).

Có thể bạn quan tâm

  • TP. Hồ Chí Minh: Xử lý kỷ luật Đảng đối với cá nhân, tập thể SAGRI

    TP. Hồ Chí Minh: Xử lý kỷ luật Đảng đối với cá nhân, tập thể SAGRI

    11:32, 30/03/2020

  • Khởi tố thêm 2 lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên liên quan đến sai phạm tại Sagri

    Khởi tố thêm 2 lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên liên quan đến sai phạm tại Sagri

    23:51, 25/08/2019

NGUYỄN VIỆT