Vụ May Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 166 tỷ đồng: Thanh toán bằng L/C để giảm thiểu rủi ro
Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản phải thu 166 tỷ với khách hàng NY&Co, lãnh đạo MSH cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.
Việc RTW Retalwinds (công ty mẹ của New York & Co), hãng bán lẻ thời trang 102 tuổi tại Mỹ có công nợ hơn 166 tỷ với Công ty CP May Sông Hồng (MSH) của Việt Nam vừa nộp đơn phá sản có thể khiến cho MSH bị “vạ lây” mất tiền.
Theo thông tin từ May Sông Hồng, New York & Co là khách hàng lâu năm của MSH. COVID-19 là trường hợp bất khả kháng nên khó tránh khỏi, khi dịch bùng phát tại thị trường Mỹ. Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản phải thu 166 tỷ với khách hàng NY&Co, lãnh đạo MSH cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc điều hành Công ty luật Nghiêm & Chính, trong trường hợp các đối tác nước ngoài bị phá sản, thì:
Nếu doanh nghiệp nhận đơn hàng gia công với số lượng nguyên vật liệu đã đủ và được ứng trước một phần tiền gia công thì khi đối tác phá sản mà chưa kịp giao hàng, bắt buộc phải hoàn trả lại cả nguyên vật liệu lẫn số tiền đã nhận trước. Còn trường hợp phía doanh nghiệp của Việt Nam đã bán hàng, giao hàng thành công mà đối tác ngoại chưa thanh toán hết tiền thì phải tham gia vào thủ tục tuyên bố phá sản của tòa án nước sở tại.
Điều này rất mất thời gian lẫn chi phí vì khoảng cách địa lý xa cũng như thủ tục phá sản luôn rắc rối, kéo dài. Hơn nữa các công ty đệ đơn phá sản là đã mất khả năng thanh toán nên rất hiếm khi tài sản còn đủ để trả hết các khoản nợ.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu theo phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) với sự tham gia của ngân hàng làm trung gian thanh toán thì trong trường hợp đã giao đủ hàng với các điều kiện như trong L/C nhưng chưa nhận được tiền, doanh nghiệp trong nước sẽ đòi nợ với bên ngân hàng. Nếu ngân hàng chây ì không trả tiền thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện ngân hàng và không liên quan đến việc đối tác có phá sản hay không.
Đồng quan điểm, chuyên gia thương mại Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐTV Công ty VietEuro cho rằng, nếu kinh doanh với đối tác nước ngoài thì các doanh nghiệp phải chọn giải pháp thanh toán mở L/C khi ký hợp đồng để giảm thiểu rủi ro.
Nếu doanh nghiệp Việt làm gia công hay bán hàng cho đối tác ngoại mà đã nhận xác nhận tín dụng thư L/C từ phía ngân hàng, doanh nghiệp ngoại có phá sản hay bị rủi ro bất cứ điều gì, việc thanh toán vẫn phải được bảo đảm. Khi đã được ngân hàng uy tín xác nhận, ngân hàng phải chi trả cho doanh nghiệp cho dù doanh nghiệp phá sản hay không, các chủ nợ không phải lo lắng.