Yếu tố tạo sự bứt phá của UDIC?
5 năm (2015 - 2020) không chỉ liên tục giữ đà tăng trưởng và phát triển, thương hiệu UDIC ngày càng được khẳng định trên thị trường xây dựng, đầu tư kinh doanh BĐS. Vậy yếu tố tạo nên sự bứt phá UDIC?
Sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 UDIC, ông Giang Quốc Trung Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho biết, 5 năm qua các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của UDIC liên tục tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 37.331 tỷ đồng, tăng bình quân 8,7%/năm. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 7.647 tỷ đồng, tăng bình quân 38,3%/năm. Năm năm qua, UDIC đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 4.407 tỷ đồng. Vốn nhà nước tại UDIC không chỉ được bảo toàn mà còn phát triển từ 2.632,5 tỷ đồng (năm 2015), tăng lên 4.436,3 tỷ đồng (năm 2019), gấp 1,67 lần… thu nhập bình quân trong toàn UDIC năm sau cao hơn năm trước và đạt tỷ lệ tăng bình quân 8,1%/năm.
Chuyển dần từ vai trò từ làm thuê sang làm chủ
Ông Trung chia sẻ, giai đoạn 2015-2020, nền kinh tế đất nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ những biến động chính trị, an ninh thế giới…Ngành đầu tư, xây dựng luôn gặp phải những vướng mắc, bất cập về thể chế, nhất là các cơ chế chính sách về: quy hoạch, xây dựng, cải tạo chung cư cũ, ngân sách đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…Việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, tình hình tìm kiếm nguồn công việc của UDIC gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào thời kỳ khó khăn do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm và gặp nhiều thách thức. Hệ quả trực tiếp là công việc của các đơn vị trong UDIC bị thiếu dẫn đến giá trị sản lượng và doanh thu đều giảm trong khi chi phí sản xuất lại tăng do lạm phát. Ngoài ra sự phát triển và năng lực chưa đồng đều của các công ty thành viên, các tác động của cơ chế thị trường và công tác CPH…
Tuy nhiên, với sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự vững mạnh của các tổ chức cơ sở đảng với tập thể cán bộ đảng viên gương mẫu, có ý thức trách nhiệm cao trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của UDIC là những thuận lợi cơ bản, nhân tố quan trọng quyết định giúp UDIC vượt qua thách thức khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong 5 năm qua. Đặc biệt, một trong những yếu tố mang tính đột phá “Chuyển dần từ vai trò từ làm thuê sang làm chủ trong thị trường đầu tư xây dựng trên phạm vi toàn UDIC, nhanh chóng tạo thế và lực mới cho sự phát triển”, gắn với việc thực hiện Chương trình 01- Ctr/ĐUTCT “Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đầu tư, đưa lĩnh vực đầu tư thực sự trở thành nghề sản xuất kinh doanh số 1 của Tổng công ty”.
Đồng thời, UDIC thực hiện tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư, rà soát tiến độ các dự án đang triển khai, tập trung nguồn lực vào các dự án có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao. Dấu ấn sau 5 năm (2015 – 2020) thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có thể kể đến một số dự án của UDIC như: Trung Yên Plaza, UDIC Complex, UDIC Riverside, UDIC Westlake, Tổ hợp 210 Quang Trung…với tiêu chí chất lượng, tiến độ đặt lên hàng đầu.
Theo tìm hiểu của DĐDN, UDIC được các tỉnh thành, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng đánh giá là, một chủ đầu tư uy tín trong mắt các đối tác và bạn hàng tại thủ đô, cũng như khắp cả nước. Theo báo cáo của UDIC cũng cho thấy, bình quân trong 5 năm, tỷ trọng giá trị sản lượng từ hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản trong tổng giá trị sản lượng của toàn Tổng công ty đạt 29,2%.
Trong bối cảnh sự phát triển cả về chất và lượng của thị trường BĐS của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Sự phát triển đa dạng các loại hình BĐS cùng với việc du nhập các mô hình kinh doanh mới trên thế giới (condotel, officetel …) tạo nên một thị trường đầy tính cạnh tranh, các chuyên gia bất động sản nhìn nhận, UDIC đã chỉ đạo tái cấu trúc các dự án đầu tư, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các dự án đang triển khai, có tính thanh khoản cao, tạo nguồn công việc ổn định cho toàn Tổng công ty.
Thực tế, công tác kiểm tra giám sát được thực hiện nghiêm túc từ khâu thiết kế biện pháp thi công và trong suốt quá trình thi công nên từ năm 2015 đến nay UDIC không có công trình, sản phẩm xây dựng kém chất lượng. Vì vậy, thương hiệu UDIC ngày nay đã trở thành một thương hiệu mạnh, có uy tin trên lĩnh vực thi công và đầu tư kinh doanh Bất động sản. Trong nhưng năm qua, UDIC luôn nằm trong Top 500VNR doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, nhiều năm đạt Top 10 Nhà thầu và chủ đầu tư uy ín nhất Việt Nam; Top 10 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Đồng thời năm 2019, UDIC được Bộ Xây dựng bình chọn là đơn vị được trao "Top 10 thương hiệu tiêu biểu ngành xây dựng Việt Nam lần thứ 3" và rất nhiều giải thưởng chất lượng do các đơn vị tổ chức khác trao tặng.
“Vì vậy, 100% các dự án do UDIC làm chủ đầu tư đều được hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đã cam kết với khách hàng. Nhiều dự án của UDIC được đọc giả bình chọn “dự án đáng sống” một chuyên gia BĐS nói.
Đồng quan điểm trên, ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhận định, sự phát triển của UDIC được khẳng định ghi nhận thông qua việc UDIC tham gia thi công những công trình trọng điểm, dự án lớn của Thành phố như: Đường vành đai 3, Dự án thoát nước Hà Nội, công trình bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19 tại huyện Mê Linh…
Đánh giá kết quả từ 2015- 2019, ông Nguyễn Văn Luyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho hay, năm 2015, vốn chủ sở hữu tại UDIC từ 2.632,5 tỷ đồng tăng lên 4.436,3 tỷ đồng năm 2019 (gấp 1,67 lần) trong đó có đóng góp không nhỏ từ lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm, nguồn cổ tức từ hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết.
“Kết quả này phản ánh vốn Nhà nước tại Tổng công ty không chỉ được bảo toàn mà còn được phát triển” ông Luyến khẳng định.
UDIC đã vinh dự nhiều năm nằm trong TOP 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về lĩnh vực xây dựng do Vietnam Report (VNR) bình chọn. Từ những dấu ấn khẳng định vị thế thương hiệu, UDIC đã trúng thầu nhiều công trình lớn trong lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, hạ tầng, cấp nước…ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Bình Định và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Các sản phẩm công nghiệp và vật liệu xây dựng như: khoá và phụ kiện lắp cho cửa, gạch xây, ngói lợp, bê tông ứng suất trước…vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh trên thị trường.
3 mục tiêu, 8 chỉ tiêu, 4 nhóm giải pháp… nhiệm kỳ 2020 - 2025
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ UDIC đề ra 3 mục tiêu, 5 phương hướng, 8 chỉ tiêu và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, UDIC phấn đấu tăng trưởng về giá trị sản xuất kinh doanh bình quân 7-8%/năm; tăng trưởng về doanh thu bình quân đạt 7-8%/năm; diện tích nhà ở bình quân 130.000 - 150.000 m2/năm; thu nhập bình quân của người lao động tăng 7- 8%/năm; giá trị sản xuất kinh doanh từ hoạt động đầu tư đến năm 2025 đạt trên 40%.
Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, ông Luyến khẳng định, UDIC tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu trong toàn Tổng Công ty, trong đó lĩnh vực đầu tư cần xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai các dự án đầu tư hiện có trong 5 năm tới kèm theo dự kiến các nguồn lực, phương án thực hiện. Đẩy mạnh việc hoàn thiện theo quy hoạch được duyệt các dự án khu đô thị mới Yên Hòa, Hạ Đình, Nghĩa Đô, Nam Thăng Long... Tập trung triển khai các dự án: Cụm công nghiệp CN3, nhà ở IA.25 - CT02B Nam Thăng Long, N01 - N02 Hạ Đình, B1 – B2 Yên Hòa … tạo nguồn công việc ổn định cho UIDC trong giai đoạn tiếp theo…Đẩy mạnh công tác tìm kiếm phát triển các dự án mới thông qua các hình thức: hợp tác kinh doanh, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư …nâng giá trị sản lượng từ lĩnh vực đầu tư lên 40% giá trị sản lượng của toàn Tổng Công ty. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư BĐS.
Bên cạnh đó, UDIC tăng cường ứng dụng BIM trong đấu thầu hướng đến tối ưu hóa chi phí cho Chủ đầu tư, đặc biệt đối với các dự án Design & Build nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất. Áp dụng các phần mềm tính toán để tăng cường độ chính xác, đẩy nhanh tiến độ lập báo giá và chốt giá gói thầu sớm với Chủ đầu tư. Đẩy mạnh công tác Đấu thầu qua mạng để bổ sung nguồn việc cho khối thi công xây lắp.
Tiến hành tổng kết việc thực hiện Chương trình 04-Ctr/ĐUTCT về phát triển khoa học công nghệ và đầu tư trang thiết bị tương thích giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ và đầu tư trang thiết bị tương thích giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Giai đoạn 2020 - 2025 cần nghiên cứu, xem xét, lựa chọn những công nghệ thi công mới để đầu tư thiết bị tương thích.
Tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ thi công tiên tiến, các tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường cải tiến, hợp lý hóa trong sản xuất để rút ngắn thời gian thi công, thời gian sản xuất, tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, giá thành. Giai đoạn 2020 - 2025 cần tập trung để làm chủ công nghệ, đủ năng lực thiết bị để thi công các công trình có độ cao đến 55 - 60 tầng, công trình đường ngầm, công trình cao tốc, đường trên cao. Các sản phẩm, vật liệu xây dựng có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đủ sức cạnh trang thay thế hàng nhập khẩu…
Nhận định giai đoạn 5 năm tới (2020 – 2025), ông Toàn cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức cũng có những thời cơ, thuận lợi, trong đó nhu cầu phát triển của Thành phố còn rất lớn nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
“Tổng Công ty cần hết sức coi trọng, bám sát định hướng phát triển của Thành phố, nhất là khâu đột phá về phát triển hạ tầng, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, làng nghề. Tập trung quan tâm để phát huy nội lực, thế mạnh của Tổng Công ty, nhất là về xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn và nghiên cứu khoa học” ông Toàn định hướng.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] UDIC thi công bệnh viện dã chiến trong 1 tuần, dự kiến ngày 25/3 bàn giao
11:00, 25/03/2020
UDIC: Con người, công nghệ tạo sự khác biệt
23:50, 08/09/2018
“UDIC - hạ tầng nâng tầm cuộc sống”
11:42, 16/05/2018