Thủy sản Minh Phú sẽ kháng cáo quyết định của hải quan Mỹ
Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú) sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định của CBP. Trong trường hợp không mang lại kết quả sẽ kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế.
Mới đây, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã đưa ra kết luận có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood) – chi nhánh của Thuỷ sản Minh Phú vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.
Ngày 22/10, Minh Phú vừa có phản hồi chính thức khi cho rằng quyết định trên của CBP là một bất ngờ lớn đối với Minh Phú. Theo Minh Phú, trước đó Công ty đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và chứng minh rõ cách xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, đảm bảo chỉ có tôm Việt Nam mới xuất đi Mỹ.
Tuy nhiên, CBP không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Thay vào đó, CBP thiết lập tiêu chuẩn đánh giá riêng về phân tách tôm và yêu cầu Minh Phú phải sử dụng phương pháp này, không chấp nhận phương pháp doanh nghiệp đã sử dụng 4 năm qua.
"Vì Minh Phú đã không tuân theo phương pháp mà CBP yêu cầu, nên CBO đã áp dụng những điều kiện bất lợi sẵn có và kết luận MPC đã vi phạm luật EAPA. Yêu cầu này của CBP hoàn toàn không phù hợp với đặc thù ngành tôm và chúng tôi được biết rằng chưa doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy", phía Minh Phú nhấn mạnh.
Đồng thời, Minh Phú cũng khẳng định, từ cuối tháng 7/2019 đã ngưng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Hiện tại, Minh Phú đã đầu tư mô hình nuôi tôm Công nghệ cao tại 2 vùng Minh Phú Kiên Giang (600 ha) và Minh Phú Lộc An (300 ha).
Trong nhiều năm qua, Công ty cũng đã thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp, 25,000 ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10.000 ha diện tích nuôi Tôm-Lúa.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú cho biết, quyết định của CBP áp dụng cho các lô tôm của Tập đoàn Minh Phú xuất khẩu sang Mỹ giai đoạn 10/2018 đến 9/2019.
Tại giai đoạn này, tôm Ấn Độ chịu thuế chống bán phá giá là 10,17%, cũng là mức "tạm đóng" mà tập đoàn đã thực hiện theo yêu cầu của CBP khi khởi xướng điều tra. Mới đây, Mỹ đã công bố thuế chống bán phá giá tôm Ấn Độ giai đoạn tháng 10/2019 đến 9/2020 giảm xuống còn 3,57%.
"Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2019 đến nay, Tập đoàn Minh Phú đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ nên sẽ không phải đóng thuế này. Luật sư của Minh Phú tại Mỹ đang làm việc với cơ quan chức năng của Mỹ về vấn đề này. Tất nhiên dữ liệu họ đã có nhưng chúng tôi vẫn chủ động cung cấp để chứng minh điều này", ông Quang nói.
Vẫn theo ông Lê Văn Quang, điều vô lý của CBP là không công nhận phương pháp phân tách và truy xuất nguồn gốc của Minh Phú đã được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Khí Quyển và Đại dương Quốc Gia (NOAA), trực thuộc Bộ Thương Mại Mỹ, dựa trên các yêu cầu của cơ quan này đối với chương trình giám sát nguồn gốc xuất xứ tôm nhập khẩu (SIMP).
Chương trình này có thể truy xuất được đường đi của con tôm từ ao nuôi đến sản phẩm cuối cùng cho đến khi xuất khẩu, lô hàng đến cảng họ kiểm tra không đúng sẽ không được thông quan.
Lý giải vì sao mua tôm nguyên liệu của Ấn Độ, theo ông Quang là do đặc điểm mùa vụ của mặt hàng tôm, trước đây, Minh Phú có nhập khẩu một lượng nhỏ nguyên liệu tôm Ấn Độ để sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ.
Có thể bạn quan tâm