Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tìm hướng đi dài hạn
Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp Bia, Rượu, Nước giải khát do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2020.
Năm 2020, ngành Bia, Rượu, Nước giải khát chịu khó khăn kép do tác động của dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019. Giải quyết vấn đề này theo một tầm nhìn dài hạn đang là yêu cầu rất lớn đặt ra với ngành Bia, Rượu, Nước giải khát.
Thống kê của Hiệp hội Bia-Rượu Nước Giải Khát (VBA), từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của VBA cho thấy nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50%. Theo đó, một số hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.
Sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận
Tại các “ông lớn” đầu ngành như Sabeco, trong khi quí 1 và quí 2/2020 tiếp tục lỗ thì quí 3/2020 tình hình kinh doanh đã sáng sủa hơn. Sabeco báo lãi 1.479 tỷ đồng quý 3 vừa qua, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng…
Trước đó Sabeco báo lãi quý 1 đạt 717 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lãi quý 2 đạt 1.216 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020 Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.257 tỷ đồng.
Tại Habeco-Tổng Công ty Bia Rượu nước giải khát Hà Nội, kết quả kinh doanh lỗ 98,3 tỷ đồng ngay trong quý I/2020. Habeco cho biết, do ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia và đại dịch COVID-19 dẫn tới sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ. Sau hai quý lỗ, sang quí 3 tình hình kinh doanh của Habecođã sáng hơn. Habeco công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần 2.720 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp Bia, Rượu, Nước giải khát do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2020.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, 90% sản lượng bia của thị trường bia Việt Nam nằm trong tay “bộ tứ” Sabeco, Habeco, Carlsberg Việt Nam và Heineken Việt Nam. Sự sụt giảm của các “ông lớn” này tất yếu dẫn đến bước thụt lùi của toàn ngành công nghiệp này trong thời gian tới…
Cần có chính sách tháo gỡ kịp thời
Theo dự báo của Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia.
Điều này sẽ có tác động ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội nói chung, dẫn đến tăng trưởng chậm lại, kéo theo nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ giảm.
Trước tình thế này, VBA đã có công văn gửi Thủ tướng cùng các Bộ ngành nhằm… kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.
VBA đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm một số loại thuế, phí trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đề nghị Chính phủ hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian dịch COVID-19 đang “hoành hành” để các doanh nghiệp ổn định, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Đối với Nghị định 100/CP, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 0,05% là mức giới hạn nồng độ cồn cho phép với tài xế phổ biến ở nhiều quốc gia. Một số nước như Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển có giới hạn thấp hơn là 0,02%. Nga cũng quy định nồng độ cồn cho phép là 0,02%. Do đó, VBA đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế… Bên cạnh đó, một hướng đi chiến lược cho ngành này cũng là một vấn đề bức thiết hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
20/11/2020: Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp Bia, Rượu, Nước giải khát
10:00, 17/11/2020
Đề xuất tính lại thuế bia, rượu
10:01, 07/04/2016
TP HCM phát động chương trình kiểm soát lái xe dùng bia, rượu
00:00, 18/04/2014
Nghị định 100, cần từng bước đi vào thực tế
15:32, 31/07/2020
Nghị định 100 tác động thế nào tới các ngành phụ trợ đi kèm rượu bia?
06:50, 20/07/2020