“Điểm nghẽn” đầu tư năng lượng tái tạo (Kỳ II): Con đường đầu tư điện gió không bằng phẳng

THY HẰNG thực hiện 26/11/2020 16:07

Điều doanh nghiệp khi đầu tư vào năng lượng tái tạo cần hơn là làm sao rút ngắn được tiến độ thủ tục thời gian cũng như hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng có sự rõ ràng, rạch ròi hơn...

Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTy CP TTP Phú Yên (TTPPY) - doanh nghiệp đang có dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (tại tỉnh Phú Yên) cho biết hiện tổng công suất đã phát điện là hơn 670 MW điện mặt trời, sắp tới dự kiến có thêm 400 MW điện gió. Tuy nhiên, con đường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực năng lượng tái tạo không hề bằng phẳng.

ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTy CP TTP Phú Yên chia sẻ với D Đ DN bên lề Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Thy Hằng

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTy CP TTP Phú Yên chia sẻ với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Thy Hằng

- Chủ trương thu hút doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã được Chính phủ khẳng định, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, thưa ông?

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những thuận lợi, vẫn có những khó khăn. Hiện cơ chế chính sách còn chưa rõ ràng, một số thủ tục khi triển khai còn chồng chéo trong đó có cả những vấn đề liên quan đến Luật hay các quy định về quản lý thuế. Đơn cử, về chính sách đất đai, trong khi dự án điện mặt trời được hỗ trợ miễn thuế tiền thuê đất thì với dự án điện gió doanh nghiệp phải bỏ tiền thuê mặt biển. Điều này khiến tổng mức đầu tư điện gió vốn đã cao hơn điện mặt trời lại gia tăng thêm. Đồng thời điều này cho thấy chưa có sự nhất quán trong việc ủng hộ về mặt chủ trương đối với các dự án năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, đàm phán việc trả tiền thuê mặt biển của điện gió hiện cũng chưa thống nhất là trả tiền một năm hay nhiều năm, trả hàng năm hay trả một lần duy nhất.

Đặc biệt, thời gian thủ tục cấp phép kéo dài cũng là trở ngại. Bởi những dự án thường công suất trên vài trăm MW sẽ có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Nhưng với những dự án lớn trên 5.000 tỷ đồng địa phương sẽ phải trình ra Chính phủ và Quốc hội. Điều này gây kéo dài chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, trong khi thời gian ưu đãi lại có thời hạn. 

- Vấn đề hoà lưới điện cũng là một trở ngại với nhiều doanh nghiệp, TTPPY có gặp khó khăn này và doanh nghiệp có dự kiến đầu tư đường truyền tải để khắc phục hay không?

Đúng vậy, đây là một trong những khó khăn khi chủ đầu tư triển khai dự án, bên cạnh tính toán tổng mức đầu tư cũng phải tính đến công suất truyền tải lưới điện khi muốn xin bổ sung công suất. Các chủ đầu tư thường gặp khó khăn là phải xin vào được bổ sung, còn ai làm được hay không là câu chuyện tiếp theo.

Hiện nay, đường dây truyền tải 500 kW của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận là một trong những dự án đầu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Nếu dự án của Tập đoàn Trung Nam thành công sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng sản xuất nhiều nghìn MW với điều kiện họ được làm cả đường dây truyền tải, do nếu chờ đường dây truyền tải của EVN sẽ mất nhiều thời gian nữa, không kịp đóng điện. Nếu nhà đầu tư cá nhân được làm đường dây truyền tải sẽ là hướng đi mới hỗ trợ cho phân phối và truyền tải điện. 

Với dự án điện mặt trời của TTPPY hiện nay thì chúng tôi chưa có đường truyền tải, nhưng với dự án điện khí sắp tới tại Cà Mau với tổng công suất 4500MW cũng đang được tính đến. Tuy nhiên những lo ngại về rủi ro cũng đã được đưa ra.

Theo đó, Luật Điện lực nêu “truyền tải là độc quyền nhà nước”. Song Luật Điện lực không nêu rõ khâu nào trong lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước” (đầu tư - vận hành - quản lý). Do đó, cần phải làm rõ hoạt động truyền tải chỉ độc quyền khâu vận hành quản lý, hay cả khâu đầu tư. Cần thiết phải có giải thích Luật của Ủy ban thường vụ quốc hội nhằm làm rõ hơn về khái niệm độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải. Có vậy doanh nghiệp mới an tâm đầu tư.

- Với lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo đòi hỏi mức đầu tư lớn, doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn như thế nào cho triển khai các dự án, thưa ông? 

Dù chủ trương đã có nhưng ở Việt Nam hiện nay các ngân hàng cũng chưa hẳn đã sẵn sàng cho thu xếp vốn với các dự án năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư tham gia mảng này rất nhiều là người mới, nhiều người từ đầu tư thuỷ điện sang, do đó, phần lớn các chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, trừ khi sử dụng tài sản đảm bảo khác hoặc có nguồn vốn cân đối vào.

Trong đó, tiêu chí kinh nghiệm năng lực tham gia năng lượng tái tạo để đáp ứng các ngân hàng là khó khăn. Đặc biệt thời gian thẩm định lâu, có khi kéo dài từ vài tháng đến cả năm, trong khi thời gian hưởng ưu đãi chỉ có hạn.

Với TTPPY chúng tôi liên kết với Tập đoàn B.Grimm Group của Thái Lan. Dự án tại tỉnh Phú Yên là một trong rất ít dự án được ADB hỗ trợ vốn. Nhưng không nhiều doanh nghiệp có liên kết và được hỗ trợ như chúng tôi.

- Vậy, doanh nghiệp có đề xuất giải pháp cụ thể nào, thưa ông? 

Nhiều ý kiến cho rằng mức giá đầu ra cần cao hơn, nhưng chúng tôi cho rằng đây là mức giá hấp dẫn dù không phải cao. Nhưng điều doanh nghiệp chúng tôi cần hơn là làm sao rút ngắn được tiến độ thủ tục thời gian cũng như hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng có sự rõ ràng, rạch ròi hơn nữa để nhà đầu tư có thể nhanh chóng sản xuất, hoà lưới điện.

Đặc biệt chúng tôi cần sự duy trì về ưu đãi cho doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Hiện chúng tôi đang bị ép về tiến độ, đến năm 2021 phải đóng được dự án điện gió đi vào hoạt động để được hưởng ưu đãi. Nhưng thực tế những thủ tục hành chính, cùng tác động của dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng tiến độ các dự án.

Điện năng lượng sạch là năng lượng bền vững, phát triển góp phần ổn định về nguồn cung bởi chúng ta hiện nay phải nhập khẩu 6.000 MW mỗi năm. Do đó, nếu chúng ta không tạo ra cơ chế thu hút các doanh nghiệp tư nhân, không tạo ra được cơ chế cho các nguồn vốn mới vào thì EVN cũng không đáp ứng được. Chúng tôi hi vọng mảng năng lượng tái tạo sẽ được nhà nước quan tâm hơn, tạo cơ chế phát triển đúng tầm hơn.

Xin cảm ơn ông! 

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Công suất lưới truyền tải

    Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Công suất lưới truyền tải "kìm chân" doanh nghiệp

    11:53, 22/07/2020

  • Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư

    Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư

    10:36, 22/07/2020

THY HẰNG thực hiện