ACG - bước đi chiến lược trong "tâm bão"
Chuyển đổi công năng máy bay từ chở hành khách sang vận tải hàng hóa (P2F) là xu hướng đang được doanh nghiệp hàng không Việt nắm bắt ngay giữa khủng hoảng.
Ngày 6/3 tới đây, Công ty CP ASEAN CARGO GATEWAY (ACG) chính thức mở đường bay vận chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) đến Thủ đô Jakarta (Indonesia).
Chuyến bay khai trương được thực hiện bằng tàu bay Airbus A321 CEO với tải trọng thương mại hàng hóa (cargo capacity) tương đương 11.000kg trong khoang hàng hóa và hơn 9.000kg chất xếp trên khoang hành khách. Khối lượng hàng hóa tương ứng 36 CBM trong khoang hàng và hơn 55 CBM trên khoang hành khách.
Đáng chú ý trong các chuyến bay của mình, ACG ưu đãi giảm giá cước vận chuyển cho mặt hàng nông sản. Đây là bước đi từng bước hiện thực khát vọng “Hãng hàng không chuyên biệt cho nông sản” của những người đứng đầu ACG.
Trước đó, Cty CP ASEAN CARGO GATEWAY (ACG) ra đời theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ theo công văn số 7709/VPCP-CN "phải có một hãng hàng không Cargo Airlines với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt".
Chia sẻ với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACG cho biết, ACG tự tin vào những thế mạnh về mạng lưới - công nghệ - sự kết nối giữa chủ hàng trong nước và quốc tế với một mô hình kinh doanh khác biệt.
“Trong giai đoạn đầu, trên tinh thần của kinh tế chia sẻ, tối ưu hóa các nguồn lực chưa được sử dụng hết, ACG sẽ vận hành các dịch vụ thuê chuyến định kỳ (regular charter), kết nối các điểm trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tiếp sau đó là hướng tới việc giải quyết các vấn đề của ngành logistics hàng không, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản Việt Nam một cách bền vững”, Chủ tịch ACG nhấn mạnh.
Ngay sau khi được thành lập, ACG đã sớm trở thành thành viên cung cấp dịch vụ của Liên minh hàng hóa thế giới (WCA Vendors), tạo dựng mối quan hệ hợp tác với gần 10,000 doanh nghiệp toàn cầu trong mạng lưới.
Bên cạnh đó, việc hợp tác trong nước đã sớm được triển khai thông qua việc gia nhập làm hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA). ACG đã trao đổi với các đối tác, thiết kết những sản phẩm phù hợp cho các đối tượng khác hàng, trong đó tập chung vào nông sản.
“Quan điểm của chúng tôi là tạo ra cầu nối thông qua các dịch vụ phù hợp. Với vị thế của người tiên phong, chúng tôi mong muốn ACG từ công ty dịch vụ hàng không sẽ sớm trở thành Hãng hàng không chuyên về hàng hóa hàng đầu ở khu vực, kết nối Việt Nam thành cửa ngõ của Đông Nam Á như bản thân tên của nó”, ông Đào Trọng Khoa chia sẻ.
Rõ ràng, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, vận tải hàng không là một trong những giải pháp đột phá cho logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến khó lường, tình trạng lockdown tiếp tục được duy trì ở hầu hết các quốc gia, xu hướng biến máy bay chở khách cũ thành máy bay vận chuyển hàng hóa ở thời điểm thương mại điện tử phát triển mạnh do dịch COVID-19 đang phát triển. Nói cách khác, COVID-19 là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chuyển đổi công năng máy bay từ chở hành khách sang vận tải hàng hóa (P2F). Việc doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội này là tín hiệu đáng mừng cho ngành logistics và hàng hoá Việt Nam.
Công ty phân tích hàng không Cirium dự báo con số chuyển đổi P2F trên toàn cầu sẽ tăng 36% lên 90 chiếc máy bay trong năm 2021 và 109 chiếc trong năm 2022. Xu hướng này cho thấy các hãng hàng không đặt cược tiền bạc vào việc vận tải hàng hóa bằng hàng không khi người tiêu dùng ưu ái thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đây cũng là tin vui với các nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa máy bay. Nhiều doanh nghiệp đã có thời gian kinh doanh ảm đạm do các máy bay 'đắp chiếu' trong dịch COVID-19.
Công ty tư vấn Ishka nhận định giá trị trên thị trường của các máy bay 15 năm tuổi đã giảm từ 20%-40% kể từ đầu năm nay tùy từng mẫu. Các chuyên gia dự đoán phải đến năm 2024, việc di chuyển bằng hàng không mới hồi phục được về mức của năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng ngành logistics năm 2021
04:30, 16/02/2021
Doanh nghiệp logistics "kêu trời" với mức phạt lỗi khai hải quan
04:50, 23/01/2021
Cơ hội giảm chí phí logistics
04:30, 17/01/2021
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (V): Hãng hàng không cho nông sản, giấc mơ bay sẽ không dang dở!
12:30, 13/02/2021