Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vào cuộc!
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã làm việc với Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) liên quan đến việc gạo ST25 của Việt Nam bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ.
Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự. Đặc biệt hơn, gạo mang thương hiệu ST của ông đã chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới.
Chia sẻ về gạo ST25, Chủ tịch VICA Nguyễn Thường Quân ngợi khen đây là loại gạo hội tụ đủ "hương sắc" theo thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay về tiêu chuẩn gạo thơm. "Tôi cho rằng ST25 còn đứng vị ngôi vị gạo ngon trong nhiều năm. Gạo trước khi nấu rất trắng, đều hạt, độ thuần cao. Cơm gạo ST25 dẻo, màu sắc đẹp, khi nhai kết cấu rõ từng hạt, không bị nát và đặc biệt có mùi hương cốm và lá dứa tự nhiên nhè nhẹ. Một ưu điểm khác là khi chan với canh, cơm không bị bở, thích hợp với nhiều món ăn Việt Nam" - ông Quân giải thích.
Theo Chủ tịch VICA, ngoài ST25, Việt Nam hiện có nhiều giống gạo ngon đúng gu người tiêu dùng trong nước và quốc tế với một số tiêu chí như: hạt dài, dẻo, khô nhưng không cứng và có hương thơm, cho thấy chất lượng gạo Việt Nam ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, gần đây thông tin gạo ST24, ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận qua phản ánh của doanh nghiệp. Như vậy, sau cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc giờ đã có thêm một thương hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.
Theo quy định, ngày 4/5 là thời điểm Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) công bố thông tin về hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ST25 của I&T Enterprise, Inc.,. Các bên có thể nêu ý kiến phản đối trước và trong 30 ngày sau ngày 4/5. Nếu không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không thuyết phục, USPTO sẽ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại Mỹ.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã làm việc với Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Ông Bùi Huy Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Thương vụ đã trao đổi với đại diện USPTO và khẳng định nguồn gốc giống lúa ST25 do nhóm các nhà khoa học Việt Nam sáng chế. Giống lúa này đã đạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines và giải nhì năm 2020 tại Mỹ.
Ngay sau đó, phía USPTO đã có hướng dẫn quy trình phản đối việc doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ, kể cả trước khi cơ quan này công bố thông tin về hồ sơ của I&T Enterprise, Inc vào ngày 4/5 tới.
Theo ông Sơn, việc nhanh chóng hướng dẫn thủ tục phản đối cho thấy họ đã nắm rõ quan ngại của phía Việt Nam. Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ theo dõi sát sao diễn biến sự việc này, đồng thời sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong vụ việc này.
Được biết, trước đó, các cơ quan gồm đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, việc bảo hộ của nhà nước theo bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Tuy nhiên, không ai có thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.
"Cần phân biệt giữa giống cây trồng và sản phẩm gạo từ giống lúa đó. Giống lúa có tên ST25 đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020. Chủ bằng bảo hộ là doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương". - Ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng.
Chiểu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và tên đó phải không trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. Trong trường hợp cụ thể này, khi nộp hồ sơ đăng ký, giống lúa tương ứng được lấy tên là ST25.
Theo quy định tại Điều 186, Luật Sở hữu trí tuệ, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền: Sản xuất hoặc nhân giống, chế biến nhằm mục đích nhân giống, chào hàng, bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác, xuất khẩu…
Theo Khoản 4, Điều 163, Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng đúng tên giống cây trồng khi đưa sản phẩm (trường hợp cụ thể này là giống lúa ST25) là một nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ bằng bảo hộ, người được chủ bằng bảo hộ cho phép thực hiện các quyền của chủ bằng cũng như kể cả sau khi giống lúa này đã hết thời hạn bảo hộ.
Tuy nhiên, gạo lại là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”. Các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa là: ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25.
Vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó nên Điểm b, Khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.
Vậy, liệu có mất thương hiệu cho sản phẩm gạo ST25 không, ông Bảy cho rằng, chúng ta phải hiểu rõ khái niệm Gạo ST25 khác với sản phẩm lúa giống ST25. Trên thị trường có rất nhiều loại gạo khác nhau được thu hoạch từ giống lúa khác nhau. Ví dụ như gạo Bắc Hương từ giống lúa Bắc Hương, tám Hải Hậu được thu từ giống lúa tám Hải Hậu...
"Với việc là tên gọi chung của sản phẩm, theo quy định của pháp luật, thì ST25 không được đăng ký độc quyền làm nhãn hiệu của bất cứ ai cả. Bởi vì khi đưa sản phẩm đó ra thị trường thì mọi người đều phải gọi nó là gạo ST25.
Ở thị trường Hoa Kỳ, đúng là có 5 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có tên ST25 đang trong quá trình xử lý, nhưng theo pháp luật Hoa Kỳ, tên ST25 sẽ không được đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu. Chính vì vậy, không có chuyện doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu ở đây", ông Bảy cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Từ ST25 ngẫm về bảo vệ và gìn giữ thương hiệu quốc gia (Kỳ cuối)
05:00, 27/04/2021
Từ ST25 ngẫm về bảo vệ và gìn giữ thương hiệu quốc gia (Kỳ 2)
14:25, 26/04/2021
Từ ST25 ngẫm về bảo vệ và gìn giữ thương hiệu quốc gia (Kỳ 1)
05:00, 26/04/2021
Xây dựng thương hiệu Việt nhìn từ câu chuyện của gạo ST25
18:00, 25/04/2021
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: ST25 và chuyện gian nan "đòi lại" thương hiệu
15:00, 24/04/2021
Chính thức công nhận đặc cách lúa ST25 "gạo ngon nhất thế giới"
11:00, 31/12/2019