ACG - Dấu ấn nhiệm kỳ

MINH HẰNG (thực hiện) 21/05/2021 14:04

Công ty CP ASEAN CARGO GATEWAY (ACG) ACG là dấu ấn của sự hợp tác chia sẻ khó khăn, kết nối ngay trong “tâm bão” của các doanh nghiệp hội viên VLA trong nhiệm kỳ VII của VLA.

 Công ty Cổ phần ASEAN Cargo Gateway ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Vina T&T tạo chuỗi cung ứng cho nông sản Việt.

Công ty Cổ phần ASEAN Cargo Gateway ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Vina T&T tạo chuỗi cung ứng cho nông sản Việt.

Công ty CP ASEAN CARGO GATEWAY (ACG) ra đời với mục tiêu trở thành hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên biệt. ACG ưu đãi giảm giá cước vận chuyển cho mặt hàng nông sản. Đây là bước đi từng bước hiện thực khát vọng “Hãng hàng không chuyên biệt cho nông sản” của những người đứng đầu ACG.

Chiến lược khác biệt trong “tâm bão”

Loại hình vận tải hàng không hiện chủ yếu nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài chuyên chở, khiến chi phí vận chuyển còn ở mức cao, gia tăng sự lệ thuộc và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt. Do đó, yêu cầu về sự tự chủ cho hàng hoá với những hãng hàng không chuyên chở ngày càng trở nên cấp thiết.

Cùng với đó, các chuyên gia nhận định, COVID-19 là áp lực cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chuyển đổi công năng máy bay từ chở hành khách sang vận tải hàng hóa. Việc doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội này là tín hiệu đáng mừng cho ngành logistics và là một trong những giải pháp đột phá cho logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt.

Được ra đời theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7709/VPCP-CN, ngày 15/9/2020 gửi Bộ Giao thông vận tải về việc nghiên cứu đề xuất “Phải có một hãng hàng không Cargo Airlines với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”, Công ty Cổ phần ASEAN CARGO GATEWAY (ACG) là sự kết hợp về lợi thế của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACG cho biết, ACG tự tin vào những thế mạnh về mạng lưới - công nghệ - sự kết nối giữa chủ hàng trong nước và quốc tế với một mô hình kinh doanh khác biệt.

Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2020 cho biết, hiện nay vận tải hàng không chỉ chiếm khoảng 0,23% về số lượng nhưng đa phần là hàng hoá giá trị cao, chiếm tới 25% giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.  

“Trong giai đoạn đầu, trên tinh thần của kinh tế chia sẻ, tối ưu hóa các nguồn lực chưa được sử dụng hết, ACG sẽ vận hành các dịch vụ thuê chuyến định kỳ (regular charter), kết nối các điểm trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tiếp sau đó là hướng tới việc giải quyết các vấn đề của ngành logistics hàng không, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản Việt Nam một cách bền vững”,Chủ tịch ACG nhấn mạnh.

Đặc biệt hơn nữa, ACG ra đời giữa “tâm bão” của đại dịch COVID-19 - cuộc đại khủng hoảng gây thiếu hụt khả năng cung cấp không tải, “đứt gãy” chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn nguyên phụ liệu và hàng hoá “đóng băng” tại nhiều thị trường. Bắt đầu với tuyến định kỳ Sài Gòn – Jakarta (Indonesia) với tàu bay A321CEO tháo ghế của Vietnam Airlines, ACG đã góp phần làm giảm chi phí vận chuyển tới 25% cho tuyến này.

“Đôi cánh” cho nông sản

Không chỉ vậy, ACG đã xây dựng chuỗi cung ứng liên kết với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp bảo quản nông sản tạo ra “lối đi” khác biệt cho mặt hàng nông sản, lối đi mà trước giờ vẫn bị coi là chi phí cao dẫn đến khó cạnh tranh. ACG đặc biệt ưu đãi bổ sung giảm giá 10% với mặt hàng nông sản cũng như các doanh nghiệp hội viên của VLA. Mới đây nhất, ACG chính thức khai thác thêm đường bay kết nối Sài Gòn – Bangkok (Thái Lan) với lịch bay 2 chuyến/tuần bằng tàu bay chuyên dụng chở hàng hóa B737-300F.

Hiện tại, doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai tuyến Sài Gòn-Inchon (Hàn Quốc), dự kiến khai trương đường bay vào cuối tháng 5 bằng tàu bay chuyên dụng B737-800F. Với việc mở thêm đường bay này, ACG sẽ hoàn thiện mạng lưới tới các thị trường trọng điểm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Từ đó, có thể thông qua các hợp đồng interline, ACG còn có khả năng cung cấp các dịch vụ đến các địa điểm ở Trung Đông, Châu Âu, Bắc Mỹ… mở rộng phạm vi phục vụ tới những thị trường tiềm năng mà Việt Nam có ký kết FTA như Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Với những thị trường này, thông qua mạng lưới đối tác, ACG sẽ cung cấp những dịch vụ cộng thêm như kết nối khách hàng, hỗ trợ giao dịch thanh toán, giúp người mua và người bán tạo dựng lòng tin.

Có thể nói sự ra đời của ACG không chỉ đáp ứng yêu cầu của vận tải hàng hóa xuất khẩu cho Việt Nam, góp phần vào việc khai thác tuyến mới cho hàng nông sản mà còn giảm sự lệ thuộc nhiều vào các hãng hàng không nước ngoài. Qua đó góp phần vào bình ổn giá và giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất khẩu nói chung, đặc biệt, là “đôi cánh” cho nông sản Việt vươn xa ra thị trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • VLA: Kiến tạo phát triển “xương sống” nền kinh tế

    13:30, 21/05/2021

MINH HẰNG (thực hiện)