DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Thị trường quà tặng phất lên nhờ dịch
UrBox vừa huy động vốn thành công 2,2 triệu USD. Thành công của UrBox cũng như một số công ty cùng lĩnh vực khác cho thấy tiềm năng của thị trường quà tặng, đặc biệt trong tình hình dịch hiện nay.
>>UrBox thành công gọi vốn vòng Pre-Series A với giá trị 2,2 triệu USD
Theo thông tin ghi nhận, số tiền 2,2 triệu USD mà UrBox huy động được lần này là từ vòng gọi vốn Pre-Series A. Vòng gọi vốn có mặt Quỹ Touchstone Partners, ngoài ra còn có sự góp mặt của Quỹ Pavilion Capital và VinaCapital Ventures.
UrBox ra mắt từ năm 2017, là một nền tảng kết nối các doanh nghiệp (cụ thể hơn là các chương trình quà tặng, chăm sóc khách hàng, v.v.) và các nhà cung cấp quà tặng cũng như các điểm đổi online lẫn offline. Ở thời điểm hiện tại, Urbox là đối tác của 500 doanh nghiệp, 200 nhà cung cấp quà và mạng lưới 15.000 điểm đổi quà.
Sự phát triển của Urbox là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng to lớn của thị trường quà tặng. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Allied Market Research, quy mô thị trường quà tặng toàn cầu có giá trị 619,25 tỷ USD năm 2019 và dự kiến đạt 1.922,86 tỷ USD vào năm 2027.
Việc thị trường này phát triển nhanh chóng là một điều dễ hiểu, bởi quà tặng trong doanh nghiệp là một phương thức kinh doanh lẫn chăm sóc khách hàng rất hiệu quả. Các hiệu ứng, phân tích tâm lý đều cho thấy con người dễ ấn tượng và gắn bó hơn với những món quà trực tiếp.
Để làm rõ vấn đề này, các chuyên gia thường gắn nó vào tình huống một người nhận được thư trực tiếp. Bởi vì khi tặng quà thì các thương hiệu thường kèm thêm thư cảm ơn/thư giới thiệu.
Theo đó, 81% người nhận sẽ đọc hoặc lướt qua thư. 79% người nhận thích đọc thư trực tiếp hơn so với việc đọc thư điện tử. 38% người nhận cho rằng việc gửi thư cho khách hàng có thể củng cố giá trị thương hiệu một cách sâu sắc và trực quan.
Ngoài ra, các chiến dịch marketing có kèm bước gửi thư trực tiếp cho khách hàng có khả năng đem đến hiệu suất bán hàng cao hơn 27% và chuyển đổi xếp hạng cao hơn 40%.
Vậy nên hiện tại rất nhiều doanh nghiệp đã chú ý đến mảng quà tặng, đưa vào các chiến dịch marketing của mình nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng.
Đơn cử, Alleyoop tặng các món quà nhỏ, chẳng hạn voucher uống cafe, tất, v.v., cho khách hàng trước khi gọi điện thoại bán hàng. Kết quả là tỷ lệ kết nối tăng 20%, tỷ lệ hoàn thành cuộc gặp mặt cũng tăng 20%.
Hoặc nền tảng kết nối dữ liệu di động LiveRamp cũng sử dụng quà tặng để tăng tỷ lệ phản hồi các lời mời tham gia sự kiện. Theo đó, chỉ với việc thêm một nút chạm chọn quà tặng, tỷ lệ người phản hồi lời mời tăng 30%, thời gian phản hồi cũng nhanh hơn rất nhiều. Từ đó tỷ lệ chuyển đổi từ những dữ liệu cũ cũng tăng lên 35%.
>>Trước khi được VNG rót vốn, Got It kinh doanh ra sao?
Trong điều kiện bình thường, quà tặng đã là một chiến dịch marketing quan trọng, thì trong thời buổi dịch bệnh, quà tặng càng lên ngôi. Bởi vì những hạn chế trong việc đi lại hoặc tụ tập nên các dịch vụ quà tặng được xem là giải pháp tối ưu khi muốn gửi lời thương yêu đến người thân và bạn bè.
Chẳng hạn, nền tảng thương mại điện tử quà tặng Giftano (Singapore) cho biết nhu cầu đặt và vận chuyển quà tặng tăng đến 500% trong thời kỳ giãn cách. Các sản phẩm được đặt nhiều nhất là quà tặng dùng bữa, trải nghiệm spa và thẻ quà tặng mua sắm. Và xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong thời kỳ bình thường mới.
Số liệu kể trên phần nào cho thấy được thị trường quà tặng thực sự rất tiềm năng. Tại Việt Nam, ngoài UrBox ra thì còn có nền tảng quà tặng điện tử Got It cũng khá nổi tiếng khi nhận được khoản tiền đầu tư lên đến 6 triệu USD từ VNG hồi tháng 11 năm nay.
Có thể nói những Got It hay UrBox là các tín hiệu cho thấy một tương lai triển vọng và hứa hẹn của mảng dịch vụ quà tặng ở thị trường Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm