Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân
Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân (KTTN), thúc đẩy phát triển bền vững là những đòi hỏi của thực tiễn để đạt mục tiêu đến hết năm 2025 Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW (Nghị quyết 10) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tuy nhiên sau gần 5 năm, sự phát triển của khu vực KTTN vẫn chưa như kỳ vọng.
Khoảng cách lớn giữa tư duy và hành động
Vẫn đang tồn tại sự phân biệt trong nhận thức cũng như đối xử giữa khu vực KTTN và các thành phần kinh tế khác mà nguyên nhân cơ bản là cải cách thể chế chưa theo kịp yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Điểm nghẽn, nút thắt là sự chồng chéo, thậm chí xung đột trong các văn bản pháp luật khiến phát triển kinh doanh bị kìm hãm. Ví dụ cụ thể, khu vực KTTN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như: các thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, phương pháp tính giá đất, thủ tục cấp phép, thông tin quy hoạch…
Bên cạnh đó, do có số lượng nhiều nhưng chưa mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khu vực KTTN thường thiếu hụt lao động có trình độ cao, năng suất lao động còn thấp, tính chuyên nghiệp kém, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất manh mún, thiếu thông tin thị trường. Đặc biệt, Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn KTTN lớn, ít định hướng đầu tư sản xuất mà chủ yếu “lớn” nhờ kinh doanh bất động sản. Điều này dẫn tới tình trạng chưa tạo được các chuỗi giá trị để các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Trong bối cảnh ấy, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 tiếp tục đề ra quan điểm: “Phát triển mạnh khu vực KTTN của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”.
Tinh thần này được cụ thể hóa trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 31/2021/QH15) với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn… Nhưng, tính đến hết năm 2021, Việt Nam mới có khoảng trên 810 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, mỗi năm phải có hơn 150 nghìn doanh nghiệp mới và không có doanh nghiệp nào rời bỏ thị trường.
Đổi mới đồng bộ
Chính vì vậy, để thúc đẩy KTTN phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách thể chế để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Đổi mới cơ chế về sở hữu, hoàn thiện hệ thống quy định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản; Tiếp tục bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; Thực hiện thực chất và hiệu quả các giải pháp giảm gánh nặng về rủi ro chính sách, gánh nặng chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh, chính sách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nhanh chóng đưa ra các điều chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của KTTN, thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo khu vực KTTN hoạt động trong một môi trường công bằng với các khu vực khác; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Triển khai có hiệu quả quy định và chính sách về hợp tác công tư.
Chúng ta cần có cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp của Việt Nam có vai trò quan trọng, tham gia vào những khâu, công đoạn quan trọng, có giá trị gia tăng cao. Chính phủ cần hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc vùng hoặc vai trò dẫn đầu trong chuỗi giá trị...
Đặc biệt, tăng cường đối thoại giữa Chính phủ, các bộ ngành, các cấp với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế nhà nước và DNNN tạo dư địa phát triển cho khu vực KTTN. Hoàn thiện cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia vào quá trình sắp xếp lại khu vực DNNN để hình thành nên các doanh nghiệp đa sở hữu quy mô lớn.