Tăng trưởng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp hậu Covid-19

Khánh Linh 15/03/2022 17:39

Trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, tăng trưởng xanh sẽ là “vaccine” giúp doanh nghiệp bảo vệ mình và thoát khó. Thậm chí, “sản xuất xanh” còn tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững.

>>"Xanh hóa" ngành ngân hàng để tăng trưởng "xanh"

Tăng trưởng xanh hiện đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, nước ta cũng đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu Covid-19.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể. Để làm rõ vai trò của tăng trưởng xanh, Tạp chí Diễn dàn Doanh nghiệp đã trao đổi với bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP điện tử Hanel PT; Chủ tịch Câu lạc bộ Keieijuku, Viện VJCC; Chủ tịch Tập đoàn nông nghiệp hữu cơ Orgen Corp.  

- Thưa bà, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của doanh nghiệp có vai trò như thế nào ttrong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia?

Tăng trưởng xanh là từ tổng quan trong tất cả các ngành hướng tới, không chỉ vấn đề môi trường mà còn hướng tới con người và sự tử tế do doanh nghiệp mang lại. Với tôi, tăng trưởng xanh là kim chỉ nam, là vấn đề sống còn của tập đoàn.

Tôi gói gọn tăng trưởng xanh trong 5 tác động xã hội mà tập đoàn hướng tới, gồm: Thứ nhất, vì nền khoa học công nghệ tự chủ, nên doanh nghiệp cần đón đầu công nghệ mới, phát triển khoa học kỹ thuật cao và tạo giá trị gia tăng cho xã hội.

Thứ hai, việc nuôi dưỡng nhân tài, phát triển nhân tài theo hướng “tâm, tầm, tài”. Tức là khi mình tạo ra một nền kinh tế xanh thì không chỉ cho người dùng cuối mà phải bắt đầu từ khởi nguồn của nó, phải xác định mục tiêu của nó là gì? Như mục tiêu của chúng tôi để xây dựng kinh tế xanh phát triển bền vững chính là nuôi dưỡng nhân tài, nên ở trong công ty hoạt động chia sẻ và đào tạo thực sự quan trọng. Bởi những người đã từng đến với doanh nghiệp, kể cả làm tiếp hay nghỉ thì phải thấy được sự khác biệt của họ mỗi ngày. Khác hơn không phải chỉ vì thu nhập mà còn về tâm thế, khả năng và năng lực, dó chính là mình đang gieo trồng những hạt mầm xanh cho thế hệ sau này.

Thứ ba là lợi ích môi trường. Chúng tôi quan niệm môi trường với “Tâm - Thế - Trí - Tuệ”. Môi trường trong lành với phương châm: “Mọi hành động suy nghĩ  từ vòng tròn khép kín 360 độ trước khi làm”. Có nghĩa là khi làm bất kỳ việc gì tạo ra sản phẩm hay dịch vụ thì đều phải hướng đến lợi ích môi trường. Nếu mình làm ra máy móc thiết bị mà phá hủy môi trường thì không còn ý nghĩa. Làm ra hành động, quy chế, quy định nào mà khiến cho tâm thế con người bị ảnh hưởng, đi ngược lại với trí tuệ của loài người thì không được làm. Với hàng nghìn các quy trình khác nhau, nhưng tất cả các quy trình ấy đều xuất phát từ vòng tròn khép kín. Tức là khi bắt đầu như thế nào, kết quả ra sao... thì phải tính trước đến tác động xã hội không được ảnh hưởng đến vấn đề môi trường.

Bà

Bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP điện tử Hanel PT

Thứ tư, chúng tôi phấn đấu để trở thành doanh nghiệp điển hình vì sự tử tế, uy tín, tạo dựng phong cách doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là với những doanh nghiệp sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài. Do đó, cần phải xây dựng một phong cách riêng của doanh nghiệp phải hướng đến sự tử tế nhằm phát triển bền vững cho tất cả mọi đối tượng mà mình đang tham gia tương tác.

Thứ năm, phải tạo ra được môi trường làm việc đầy hứng khởi, hạnh phúc, ấm no và đầy niềm vui cho cán bộ, công nhân và người lao động. Đấy chính là 5 tác động xã hội mà doanh nghiệp chúng tôi hướng tới. Tất cả những lợi ích đó chính là việc phát triển kinh tế xanh.

Với 5 nền tảng đó, có thể hiểu đơn giản dù mình làm gì, đứng ở vai trò nào cũng cần xuất phát từ văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh. Từ đấy, chúng tôi hướng tới thực hiện 5 nền tảng này. Ví như, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nếu doanh nghiệp không vì nhân viên của mình thì không nên làm; hoặc làm doanh nghiệp mà chỉ có tiền thôi sẽ không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu có ý nghĩa về mặt lâu dài để lại cho những thế hệ sau thì khi doanh nghiệp gặp khó khăn tất cả sẽ cùng nhau vượt qua. Đó là sức mạnh xanh ở mỗi người trong cộng đồng doanh nghiệp. Đó có thể xem là cơ hội lớn nhất đi qua mọi thời đại.

>>Tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID 19

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

- Thưa bà, với doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia tăng trưởng xanh sẽ gặp những khó khăn gì?

Theo tôi, bất kỳ ai đã làm doanh nghiệp trước sau đều muốn hướng tới tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, họ có nhận ra giá trị thực sự, động lực lớn lao ở trong đó hay không. Ví như, tăng trưởng xanh là đốm lửa nhỏ âm ỉ trong lòng, khi có ai đó thổi lên thì đốm lửa đó bùng lên rực rỡ. Như thế, nó không còn là kinh doanh nữa khi vì lợi ích chung, vì thế hệ doanh nhân người Việt, vì lợi ích môi trường,… thì mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa, khó khăn đều dễ vượt qua.

Trên tư duy ấy, tôi cho rằng những doanh nghiệp nhỏ hay startup có thể hướng đến phát triển xanh tốt hơn vì cơ chế linh hoạt và dễ thay đổi theo chiến lược. Do đó, một doanh nghiệp ngay thời điểm bắt đầu có thể đưa ra một tầm nhìn dài hạn, để có thể vượt qua những khó khăn hoặc những tác động xã hội, vì một thế giới xanh. Còn với doanh nghiệp lớn, đôi khi muốn thay đổi điều gì đó thì rất khó, bởi phải thay đổi theo hệ thống. Đôi khi với những doanh nghiệp lớn, muốn lan tỏa một điều gì đó cũng thực sự là một vấn đề.

- Theo bà, công nghệ có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu?

Tăng trưởng xanh đang là xu hướng chung của toàn cầu và Việt Nam cũng vậy. Mọi người đang hướng tới việc sử dụng những sản phẩm xanh, những dịch vụ xanh, hành động vì môi trường, một tương lai xanh. Dù không phải gắn những điều đó vào là doanh nghiệp thành công, nhưng nó là xu hướng chung được chọn lựa, nên phải hành động thay vì khẩu hiệu. Nó không chỉ còn là cơ hội và thách thức, mà nó chính là việc cần làm.

Việt Nam hiện tại cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh. Ở thời đại 4.0, việc hỗ trợ thay đổi công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường, đưa ra chính sách chung cho người lao động. Để có thể áp dụng thành công các công nghệ kỹ thuật sản xuất tiên tiến, chế tạo sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao thì việc học hỏi những phương thức quản lý kinh doanh tiên tiến là vô cùng cần thiết. Các doanh nhân, nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, hơn lúc nào hết, cần học hỏi, bổ khuyết và cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn để phù hợp với yêu cầu phát triển của nền công nghiệp, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, khó khăn và phù hợp với xu hướng hợp tác kinh tế khu vực và thế giới.

Những giải thưởng

Những hình ảnh hoạt động và sản xuất xanh của Công ty CP điện tử Hanel PT

- Ví như, chiếc máy sấy lạnh đa năng thông minh Sasaki của Hanel PT, được thiết kế dựa trên đúng lý thuyết xanh, một sản phẩm khi nghiên cứu đã đưa vào phương châm “sấy xanh” – đi theo 5 tiêu chí đã đưa ra. Sản phẩm sau khi sấy, vẫn đảm bảo được độ thơm ngon của nắng gió Việt Nam; vị chuẩn của sản phẩm tươi, đảm bảo 3 giữ “nguyên màu, nguyên mùi, nguyên vị”, phải có chức năng diệt khuẩn ngay trong hệ thống máy. Hệ thống sấy phải đạt chuẩn quốc tế dưới 5% mới không bị tái mốc lại, rút ngắn thời gian lại so với sấy thông thường. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo về môi trường xanh, không thải khí thải ra môi trường, đảm bảo về rác thải, nước thải, tiết kiệm năng lượng điện đến 70%. Cộng với việc cài đặt hệ thống, bảo trì, sửa chữa theo công nghệ từ xa. Một loại máy sấy nhưng tích hợp đa năng rất kinh tế, mang lại giá trị cao trong sản xuất, đáp ứng cao trong công nghệ cũng như bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

- Được biết, bà đã làm việc với các đối tác Nhật Bản đã nhiều năm. Vậy, bà đã học hỏi được gì từ phía Nhật Bản để áp dụng, phát triển doanh nghiệp của mình?

Tôi may mắn được học hỏi nhiều từ con người, đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản. Hơn 20 năm, thứ tôi có thể đúc kết lại của người Nhật chính là sự tử tế và phát triển xanh cũng chính là xuất phát từ tư duy này. Kinh doanh từ sự tử tế chính là một trong những bước đệm cho tăng trưởng xanh bền vững của doanh nghiệp. Bạn đặt ra câu hỏi làm việc này được gì, tốt cho ai, sự tận tụy và trách nhiệm để làm gì, sản phẩm hoặc dịch vụ đó đóng góp gì cho sự phát triển đất nước? Câu trả lời chính là tốt cho con người, cho môi trường, cho xã hội, cho người tiêu dùng... thì chính là phát triển xanh. Nó không còn là khái niệm trìu tượng, xa vời nữa mà chính là nằm ngay trong tư duy người đứng đầu, cán bộ công nhân viên và cả cộng đồng.

Tất cả các mục tiêu của doanh nghiệp đều được đo bằng chỉ số, không thể bằng khẩu hiệu mà phải bằng hành động. Đưa ra chiến lược cụ thể, đào tạo tư chất cho mọi người trong công ty và đo sự hài lòng của từng nhân sự trong công việc. Tất cả thước đo phát triển con người trong công việc đó gắn với thước đo phát triển nhân tài của đất nước. Tiêu chuẩn máy móc dịch vụ phải được đo lường cụ thể xem có đạt yêu cầu không, có gây hại cho môi trường và ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người không; yêu cầu đạt chuẩn quốc tế ở mức độ nào cho xuất nhập khẩu,… Tất cả những điều đó phải đưa vào kim chỉ nam và hành động, soi lại định hướng sau mỗi sản phẩm dịch vụ xuất hiện trên thị trường để đánh giá chính xác mức độ chỉ số đạt hay không.

Khi đưa ra định hướng về phát triển bền vững, tất cả phải gắn với mục tiêu hành động, chính sách và kế hoạch với những chỉ số đo lường cụ thể ở trong tất cả các khâu, các giai đoạn cụ thể của doanh nghiệp.

- Theo bà, cơ hội và thách thức nào giúp phục hồi kinh tế xanh sau đại dịch Covid 19?

Đại dịch Covid -19 đã tác động vô cùng lớn đến sức khỏe người dân, hoạt động của tất cả các ngành nghề, các doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, nếu trước đó, doanh nghiệp đưa được ra một chiến lược dài hơi về phát triển bền vững, đưa kế hoạch vào xương sống với tầm nhìn ngắn hạn 5-6 năm, theo định hướng về kinh tế xanh từ thời điểm đầu cho thì sẽ ít khó khăn hơn khi có biến cố.

Bên cạnh đó, vấn đề không còn nằm ở việc phục hồi mà còn là phục hồi như thế nào để hòa cùng xu thế của thế giới. Quá trình phục hồi có nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội. Đó là cơ hội để chuyển đổi theo hướng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra trước đó.

Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP điện tử Hanel PT

Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP điện tử Hanel PT tại một hội nghị do VCCI tổ chức

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần nhìn nhận đúng về xu thế chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh nghiệm của các nước trong quá trình chuyển đổi, thích ứng... là những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Theo đó, việc đầu tiên chính là cần truyền thông tốt cho các doanh nghiệp, tạo dựng mô hình mẫu để doanh nghiệp có thể định hình phát triển tốt hơn, coi trọng đạo đức kinh doanh và hướng đến tăng trưởng xanh phát là chìa khóa phát triển doanh nghiệp bền vững. Chỉ khi mọi người hiểu được, họ thấy được sự cần thiết để theo, thay đổi thì đấy chính là sức mạnh lớn nhất của lòng dân và lòng người. Ngoài ra, đó  là hỗ trợ về công nghệ, môi trường và đào tạo nhân sự, từ đó giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

- Xin cảm ơn bà.

Có thể bạn quan tâm

  • Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh

    Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh

    01:39, 03/03/2022

  • Tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID 19

    Tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID 19

    16:00, 29/10/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

    18:41, 01/10/2021

  • Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh

    Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh

    15:04, 19/06/2021

Khánh Linh