Cần chính sách giúp nông sản chiếm lĩnh thị trường nội địa
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường nông sản.
>>>Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay chúng ta đã làm tốt khâu sản xuất nông sản nhưng công đoạn đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi vẫn mở rộng, đón nhận sản phẩm của các HTX, đặc biệt là các sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự phàn nàn về việc khó tiếp cận, khó đưa nông sản vào siêu thị”, bà Hậu chia sẻ.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thẳng thắn rằng: “Chúng tôi phải chọn lọc các sản phẩm trước khi đưa lên kệ, do đó, các HTX cần nâng cao về chất lượng và cải thiện về nghiệp vụ kinh doanh tiếp cận với hệ thống bán lẻ, ngoài các siêu thị còn các nhà hàng, điểm bán lẻ khác”.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và bước đầu đã khẳng định được hiệu quả. Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã dần đáp ứng được yêu cầu của thị trường cao cấp và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tiếp cận các nguồn lực xã hội, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin…
Liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn của còn yếu kém. Theo báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á, hiện nay mới chỉ có 21% các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Nhóm giải pháp này nhằm mục đích cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.
Đặc biệt có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tạo chuỗi. Như đề xuất của bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh: “Nên chia các nhóm ngành hàng, chia các nhóm thị trường để các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, đưa ra giải pháp ổn định giá, từ đó mới cùng người nông dân, các HTX tăng cường được giá trị”.
>>>Để nông sản Việt hết "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài?
>>>Xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) nhận định, cần quan tâm chính sách phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết tham gia thị trường.
Ngoài ra, cần khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh việc phát triển thị trường trong nước. Trong đó, đa dạng hóa vấn đề tiêu thụ nông sản qua các kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử và thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Toản cho rằng cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh nông sản trong nước, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản trong nước, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại.
Ngoài ra, cũng phải đổi mới công tác xúc tiến thương mại nông sản trong nước, cũng như đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về thương mại nông sản trong ngành nông nghiệp.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và phân phối hàng hóa. Làm sao để hàng Việt Nam không phải tốn những chi phí, chiết khấu cao vô lý, phải đi vào siêu thị bằng "cửa sau".
Bên cạnh đó, để kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics... Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Bá Chí Nhân, ở Nhật Bản, hàng tiêu dùng nội địa luôn được ưu tiên trước mới đến hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, nói đến hàng nội địa người Nhật rất yên tâm về hàng tiêu dùng trong nước. Trong khi đó ở Việt Nam, những "trái ngon" thì đưa đi xuất khẩu.
Nếu làm tốt việc phát triển thị trường trong nước, thì hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài cũng được nâng cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong nước chứ không chỉ làm sạch để bán ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
09:09, 02/05/2022
Nông sản Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Đà Nẵng
08:35, 24/04/2022
Để nông sản Việt hết "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài?
11:10, 20/04/2022
Xây dựng thương hiệu nông sản Việt
04:00, 20/04/2022