Logistics cho nông sản ĐBSCL: Doanh nghiệp “khát” nhân lực chất lượng
Dù là khu vực có tiềm năng lớn về phát triển logistics, tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
>>Logistics cho nông sản ĐBSCL: (Bài 1) Thiếu các trung tâm logistics trọng điểm
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cùng các doanh nghiệp logistics, PGS TS Trần Trung Tính - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, là 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của vùng ĐBSCL, đến nay, trường Đại học Cần Thơ đã có 50 ngành và chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 21 ngành trình độ tiến sĩ, hiện có 55000 sinh viên đang theo học tại trường với 1200 giảng viên.
Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Trong đó, hoạt động hợp tác quốc tế với hơn 150 đơn vị và đặc biệt thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai chuyển gia công nghệ, hợp tác phát triển.
“Đặc biệt, từ năm 2022, trường Đại học Cần Thơ có đào tạo chuyên ngành về logistics. Trước đó, kiến thức về logistics cũng đã được đào tạo trong các khối ngành kinh tế. Từ năm 2022 trường chính thức tuyển sinh khối logistics. Mặc dù biết nhu cầu thực tế là rất lớn nhưng để đào tạo được chuyên ngành này đòi hỏi đội ngũ giảng viên cơ hữu nên nhà trường phải đào tạo đội ngũ giảng viên đi nước ngoài, khi đủ cơ cấu nhân sự mới đủ điều kiện mở ngành logistics và chuỗi cung ứng”, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ chia sẻ.
Là năm đầu đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Cần Thơ cho khối ngành logistics và chuỗi cung ứng khiêm tốn khoảng 80 sinh viên. Phía nhà trường cho biết sẽ mở rộng thêm khi nhu cầu tăng cao ở những năm tiếp theo.
Mục tiêu đào tạo ngành logistics của trường Đại học Cần Thơ là cung cấp cho sinh viên những kiến thức về logistics, các chỉ tiêu khai thác hiệu quả chuỗi, quản trị vận hành cảng, chứng từ vận tải biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không và vận tải đa phương thưc…. Đặc biệt, đào tạo người học có kiến thức kỹ năng và vị trí việc làm phù hợp với chủ trương xây dựng trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có trung tâm logistics vùng tại ĐBSCL theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Chia sẻ về nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, là hiệp hội quốc gia của ngành logistics Việt Nam, VLA hiện có hơn 600 doanh nghiệp mà chiếm đa số doanh nghiệp lớn của ngành.
“Thống kê của Hiệp hội tại 13 tỉnh thành phố ĐBSCL, hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp logistics, chỉ chiếm khoảng 4,3% số doanh nghiệp logistics cả nước. Do đó, sự thúc đẩy phát triển doanh nghiệp logistics tại khu vực này là cấp thiết nơi nguồn hàng hoá mà đặc biệt là nông sản dồi dào. Cùng với sự phát triển đó, nhu cầu về nhân lực phải phát triển kịp thời đáp ứng cả về số lượng và chất lượng”, Phó Chủ tịch thường trực VLA chia sẻ.
Để hiện thực điều này ngày 26/5 tới đây VLA, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức “Diễn đàn: Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL” - đây là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức đơn vị viện trường trao đổi, liên kết phát triển ngành logistics nói chung và nhân lực ngành logistics nói riêng của vùng ĐBSCL.
Phó chủ tịch VLA cũng cho biết, Hiệp hội đang thúc đẩy thành lập một hiệp hội logistics vùng ĐBSCL tạo ra sự kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, trong đó đào tạo cũng là một “mắt xích” quan trọng.
“VLA là đại diện quốc gia của ngành logistics Viêt Nam tại quốc tế, VLA cũng có Viện VLI là đơn vị nghiên cứu, đào tạo về nhân lực logistics. Do đó, Hiệp hội sẽ kết nối VLI – đơn vị được hiệp hội và Liên đoàn logistics thế giới uỷ quyền đào tạo, hợp tác với trường trong công tác đào tạo sinh viên kiến thức thực hành”, ông Đào Trọng Khoa khẳng định.
Doanh nghiệp “đãi cát tìm vàng”
Trong khi đó, ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc công ty Tiến Thịnh - doanh nghiệp chuyên về chế biến, xuất khẩu nông sản cho biết, sau 10 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp quyết định đầu tư phát triển trung tâm logisics Hạnh Nguyên - Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên.
“Hiện trung tâm logistics của Hạnh Nguyên đã đầu tư giai đoạn 1 giá trị 500 tỷ đồng, đang bắt đầu triển khai giai đoạn 2 tương ứng 500 tỷ, dự kiến hoàn thiện trong 1,5 năm tới. Khi hoàn thiện trung tâm logistics của Hạnh Nguyên sẽ có giá trị đầu tư khoảng 2.000 tỷ. Trung tâm logistics “một điểm đến đa dịch vụ” của Hạnh Nguyên ra đời sẽ giúp nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam và tối ưu hóa chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt ở thị trường quốc tế”, ông Phạm Tiến Hoài nhấn mạnh.
Giám đốc Hạnh Nguyên Logistics cũng khẳng định doanh nghiệp rất vui mừng khi biết Đại học Cần Thơ có khoa đào tạo logistics, doanh nghiệp sẵn sàng chào đón các sinh viên của trường tới đây khi thực hành, thực tập cũng như đón nhận sinh viên vào làm việc tại trung tâm logistics của mình.
>>>26/05: Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản ĐBSCL
>>>Đề xuất xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực logistics trọng điểm
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng Hậu Giang khẳng định: “ĐBSCL hiện rất thiếu nhân lực cho logistics. Riêng chuyên ngành về thực hành khai thác cảng biển khi doanh nghiệp muốn tuyển dụng rất khó và thiếu thốn, doanh nghiệp chúng tôi phải tự đào tạo. Doanh nghiệp đề xuất có thêm các khoa chuyên ngành về hàng hải như Quản lý khai thác cảng biển, vận tải biển…”
Doanh nghiệp cũng cam kết hỗ trợ trường trong đào tạo cán bộ giảng viên ngắn hạn, cũng như đào tạo sinh viên kiến thức thực tế, bởi doanh nghiệp cũng đang phải “tự làm nhà trường” tự đào tạo nhân lực cho mình thời gian qua.
Ông Đặng Anh Diệp, Phó Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn khu vực Tây Nam Bộ cho biết, khi doanh nghiệp về đầu tư tại ĐBSCL năm 2012, doanh nghiệp mất nửa năm để tuyển dụng mà chỉ được 2 người, trong khi nhu cầu là 10 người, sau đó phải đưa 2 người này đi đào tạo tại TP HCM.
“Khi đó, chúng tôi chỉ tuyển được nhân sự về chuyên ngành kinh tế chứ không có chuyên môn chuyên ngành logistics. Đến nay, toàn bộ cán bộ khung, các lãnh đạo cũng ở TP HCM đưa xuống chứ không phải người của ĐBSCL. Doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng nhưng sự chuyển dịch về đào tạo của nhân lực tại ĐBSCL rất chậm, việc tuyển dụng rất khó khăn. Ngay cả công tác đào tạo cũng chưa đáp ứng được thực tế. Doanh nghiệp do đó phải có trung tâm đào tạo cho riêng mình, liên kết với Đài Loan cung cấp các khoá đào tạo ngắn hạn về lĩnh vực kha thác cảng biển, logistics để cung cấp cho chính mình”, ông Đặng Anh Diệp chia sẻ.
Do dó, doanh nghiệp đề xuất nhà trường có các khoá đào tạo nhân sự ngắn để doanh nghiệp có thể đưa nhân sự vào đào tạo lại tại nhà trường thay vì phải gửi về TP HCM. Các khoá đào tạo thực tiễn ngắn ngày về thực hành cảng cũng như thăm quan cho sinh viên của trường doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thành Lộc, Giám đốc Công ty Mekong Logistics nhận định “thời điểm vàng” đầu tư logistics tại ĐBSCL, Chính phủ đang muốn xây dựng một trung tâm logistics tại khu vực ĐBSCL để khu vực này “cất cánh”.
Đón đầu xu thế này, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng và con người. Doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến Nam sông Hậu, đón đầu từ cảng Trần Đề,... tuy nhiên doanh nghiệp còn thiếu về nhân sự.
“Việc chuẩn bị nhân lực về logistics cho ĐBSCL là cấp thiết, mức tuyển sinh đào tạo chỉ 80 sinh viên của khoá đầu tiên này là rất ít và cần thêm những nhân sự lĩnh vực liên quan như quản lý rủi ro…Doanh nghiệp rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ sinh viên tham gia vào các phòng, ban làm việc thực tiễn, cũng đã có các chương trình cho sinh viên đến thực tập và có lương, đồng thời đề xuất sinh viên ở lại làm việc sau thực tập. 10 năm phát triển của doanh nghiệp, cũng đã có nhiều nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp đi lên từ chính những sinh viên thực tập như vậy”, ông Nguyễn Thành Lộc nhấn mạnh.
Liên kết hợp tác đào tạo theo “đặt hàng”
Đại diện trường Đại học Cần Thơ cho biết sinh viên của ngành logistics sẽ được đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng, do đó, một số đại diện các khoa, ngành của nhà trường đề xuất các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp như VALOMA, VLA hỗ trợ những “giảng viên thực tế” để tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển chung của ngành.
Đồng thời đề xuất các trường trong VALOMA chấp nhận chứng chỉ đào tạo lẫn nhau để tiết kiệm chi phí. Kết hơp đào tạo các khoá ngắn hạn về bồi dưỡng chuyên môn.
Mong VLI thuộc VLA hỗ trợ nhà trường cập nhật những đào tạo về vận hành logistics theo tiêu chuẩn quốc tế. Có thể có những lớp đào tạo ngắn hạn cho sinh viên những năm cuối của trường có được kiến thức quốc tế.
Về phía các doanh nghiệp, trường đề xuất các doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm, tài trợ những phần mềm quản lý vận hành để đào tạo sinh viên, giúp sinh viên được tiếp cận, thực hành những phần mềm quản lý kho, chuỗi,…như ở doanh nghiệp. Bản thân các sinh viên này cũng là khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp khi về làm việc tại doanh nghiệp logistics.
Đồng thời đề xuất các doanh nghiệp kết hợp với nhà trường thực hiện một số đề tài chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chia sẻ các công cụ đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên.
Đồng ý với những đề xuất của trường Đại học Cần Thơ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập, Bộ Công Thương, Chủ tịch danh dự Hiệp hội nhân lực logistics Việt Nam khẳng định, tiềm năng về phát triển logistics của ĐBSCL là vô cùng lớn. Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Cần Thơ kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của ngành logistics Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Chủ tịch VALOMA đề nghị, trường Đại học Cần thơ trao đổi chia sẻ với các trường trong “mái nhà chung VALOMA” hỗ trợ chia sẻ về công tác đào tạo nhân lực ngành mới.
“Hiện Hiệp hội cũng có các ban chuyên môn như Ban đào tạo, Ban nghiên cứu… đề nghị nhà trường cử người tham dự vào các ban để nắm các nội dung có thể tham gia và hưởng lợi. Cùng với đó xem xét thành lập câu lạc bộ logistics cho sinh viên mà không giới hạn ngành học. Đây nên là câu lạc bộ mở mà các sinh viên logistics là nòng cốt, cùng tham gia mạng lứoi có 23 trường đã liên kết hiện nay. Sau này khi các em ra trường có thể trở thành doanh nhân ngành logistics là các hạt nhân hỗ trợ nhà trường”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị Đại học Cần Thơ xem xét công nhận chứng chỉ logistics giữa các trường, gửi giảng viên sinh viên theo học các ngành về quản lý cảng, hàng hải tại các trường chuyên về hàng hải…bởi khó để nhà trường mở ngay những ngành mới như vậy, có thể tính tới liên kết chặt chẽ để phối hợp các trường khác đào tạo.
Ông Hải đồng ý với đề xuất của nhà trường về kết nối doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường tiếp cận, sử dụng các phần mềm mô phỏng, cũng như mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp giữ cam kết hỗ trợ cũng như tiếp tục quan tâm tới các đề nghị hỗ trợ từ nhà trường.
Về thúc đẩy hiệp hội logistics ĐBSCL ông Hải đề nghị các doanh nghiệp tích cực tham gia, đây là hiệp hội là sự liên kết của các thực thể liên kết trong chuỗi hoạt động logitiscs, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp, mà là các viện trường, đề nghị Đại học Cần Thơ xem xét tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Logistics cho nông sản ĐBSCL: (Bài 1) Thiếu các trung tâm logistics trọng điểm
00:30, 13/05/2022
26/05: Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản ĐBSCL
06:11, 08/05/2022
Logistics cho nông sản ĐBSCL: “Tàu buýt container” - lời giải cắt giảm chi phí
04:00, 08/05/2022
Đồng bộ hạ tầng giao thông sẽ giúp ĐBSCL "cất cánh"
00:10, 08/05/2022