LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Giải pháp cấp bách để phát triển bền vững
"Phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và phát triển bền vững nông sản ĐBSCL nói riêng".
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Khơi thông "dòng chảy" nông sản đất Chín Rồng
Phát biểu bế mạc Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, VCCI Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 26/5/2022, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Đây là vựa lúa, là trung tâm sản xuất hàng nông sản của cả nước. Năm 2021, ĐBSCL đã đóng góp tới 31,37% GDP ngành nông nghiệp của cả nước; trong đó sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; Đồng thời ĐBSCL cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Với những lợi thế đó, ĐBSCL được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước.
Theo vị Phó chủ tịch VCCI, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ĐBSCL; chi phí logistics tại ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.
Nguyên nhân chính của điểm nghẽn này được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Vận chuyển hàng hoá chủ yếu bằng đường bộ và thuỷ nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng… Bên cạnh đó, Vùng ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn...
Như vậy, phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng.
Ông Võ Tân Thành nhấn mạnh, để phát triển logistics trong bối cảnh canh tranh toàn cầu hiện nay, cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô.
Đặc điểm của sản xuất tại ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp, với người sản xuất có hiểu biết về tổ chức sản xuất quy mô lớn còn hạn chế, thì những dịch vụ logistics 4P rất quan trọng mà người sản xuất ở vùng này cần đến đó là dịch vụ về cung ứng đầu vào, dịch vụ tư vấn kế hoạch thu hoạch, phân phối, marketing,…
Bên cạnh đó, phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng, nắm bắt nhu cầu khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics là xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là nhờ công nghệ dự liệu lớn cho phép tối ưu hóa từng quá trình logistics.
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Bảy đề xuất phát triển toàn diện và liên kết vùng
Diễn đàn hôm nay đã nhận được những kiến nghị quan trọng như:
Thứ nhất, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước theo hướng tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh làm động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường logistics;
Thứ hai, sử dụng, đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics.
Thứ ba, thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới. Bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
Thứ sáu, gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt khâu thủ tục hải quan và tại biên giới (tăng cường tổ chức, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ..., phát triển các cổng thông tin logistics, EDI, e-logistics...
“Thay mặt VCCI, tôi cũng kêu gọi các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn hôm nay tiếp tục có những tham vấn về chiến lược phát triển nông nghiệp, cơ chế thu hút đầu tư; giải pháp đẩy mạnh kết nối và phát triển chuỗi logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long và gửi đến ban tổ chức. Các ý kiến sẽ được VCCI tổng hợp, kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền hướng đến đóng góp sáng kiến cùng các cơ quan chuyên môn góp phần hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL, đảm bảo tính liên kết ổn định và giảm chi phí logistics để ĐBSCL phát huy hơn nữa thế mạnh của vùng đất Chín Rồng”, Phó chủ tịch VCCI khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư
11:22, 26/05/2022
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Khơi thông "dòng chảy" nông sản đất Chín Rồng
11:00, 26/05/2022
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Bảy đề xuất phát triển toàn diện và liên kết vùng
10:02, 26/05/2022
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Hạ tầng cảng biển là một yếu tố quan trọng
09:42, 26/05/2022