Sân bay Vân Đồn đề xuất “chia sẻ tải” hàng hoá với sân bay Nội Bài

THY HẰNG 10/06/2022 05:00

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đề xuất được “chia sẻ tải” trong vận chuyển hàng hoá với sân bay Nội Bài đặc biệt với một số lĩnh vực mới như thương mại điện tử.

>>>Việt Nam sẽ trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại châu Á

Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn cho biết, sân bay có định hướng lâu dài là sân bay vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hoá.

Cảng hàng không

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khai thác từ tháng 12/2018 nhưng vẫn chưa khai thác được hết công suất do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Thy Hằng

“Về lâu dài, chúng tôi định hướng đẩy mạnh phát triển logistics hàng hoá với nhà ga hàng hoá đáp ứng nhu cầu thực tiễn khai thác, thu hút nhiều hơn các hãng hàng không mở đường bay”, ông Phạm Ngọc Sáu thông tin.

Giám đốc sân bay Vân Đồn kỳ vọng, tháng 6/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng cái được thông tuyến sẽ tiếp tục mở ra cơ hội nâng cao vận chuyển xuất khẩu hàng hoá tới sân bay này.

Nhà ga hàng hoá sân bay Vân Đồn dự kiến năng suất 51.000 tấn/năm cho cả hàng hoá quốc nội và quốc tế. Trong đó, tách biệt khu vực nhập và xuất hàng hóa quốc tế độc lập với khu nhập và xuất hàng hóa nội địa, đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới đây với những chuyến bay thuê chuyến (charter), chuyến bay chuyên vận chuyến hàng hóa với thể tích lớn, hàng hóa lưu trữ dài ngày.

“Chúng tôi cũng xác định muốn phát triển logistics hoàn chỉnh cần khu hàng hoá rất rộng. Tuy nhiên với quan điểm của sân bay xác định là một phần góp phần cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, do đó, thời gian đầu quy mô nhà ga hàng hoá hiện dự kiến năng suất 51.000 tấn/năm”, Giám đốc Phạm Ngọc Sáu cho biết.

Được biết, nhà ga hàng hoá tại sân bay Vân Đồn đang triển khai các bước pháp lý. Cụ thể, doanh nghiệp đang làm việc với tỉnh Quảng Ninh, dự kiến cuối năm 2022 sẽ bắt đầu đi vào triển khai.

>>>Chỉ vận chuyển hàng hoá lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với Trung Quốc

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19

Đặc biệt, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nhận định, hiện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã quá tải, do đó, khung giờ tốt để đối tác vận chuyển hàng hoá đã hết. Bên cạnh đó Sân bay Vân Đồn có các chính sách ưu đãi đặc biệt. Đây là những lý do các hãng hàng không vận chuyển hàng hoá được thu hút về sân bay Vân Đồn hơn.

Đoàn công tác

Đoàn công tác Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương làm việc với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn - Sun Group. Ảnh: Thy Hằng

Từ thực tiễn này, lãnh đạo sân bay Vân Đồn đề xuất “chia sẻ tải” với sân bay Nội Bài, đặc biệt với hàng hoá lĩnh vực mới như thương mại điện tử, vận chuyển hàng hoá không người lái…

Đồng thời, đề xuất các chính sách, quy định về phát triển logistics cũng như cấp phép cho công nghệ mới như máy bay không người lái được cởi mở hơn.

Đề xuất chung cho sự phát triển ngành logistics, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nhấn mạnh, cần hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành. Thứ hai, cần định hướng vĩ mô về hạ tầng đồng bộ cho phát triển.

Thứ ba, cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nền tảng. Thứ tư, cần hệ thông liên kết dữ liệu cũng như cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận. Thứ năm, chú trọng đào tạo nhân lực cho ngành.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đánh giá, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sân bay đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư triển khai.

Chia sẻ với hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng lớn thời gian vừa qua do đại dịch, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng tín hiệu vận tải hàng hoá gia tăng cùng những Hãng hàng không sắp được cấp phép là những tín hiệu cho thấy triển vọng của ngành hàng không nói chung và logistics hàng không nói riêng.

Ông Trần Thanh Hải đề xuất, với đặc thù của địa phương, các sân bay như sân bay Vân Đồn có thể tạo thành hub thu gom hàng hoá, đây là hướng đi doanh nghiệp có thể cân nhắc. Đồng thời thúc đẩy phát triển vận chuyển hàng hoá với các mặt hàng thương mại điện tử.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn là doanh nghiệp dự án với tổng mức đầu tư 7.432 tỷ đồng. Đây là Cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), sân bay quân sự cấp II. Sân bay này có thể đón được các loại máy bay có tải trọng lớn như Boeing 787, 777 và Airbus A350. Công suất nhà ga giai đoạn 1 đạt 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện việc khai thác vận chuyển hành khách cũng như hàng hoá còn chưa hiệu quả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam sẽ trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại châu Á

    00:05, 03/05/2022

  • Chỉ vận chuyển hàng hoá lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với Trung Quốc

    16:56, 21/12/2021

THY HẰNG