Nông nghiệp ĐBSCL: Bước chuyển từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế"
Trong Quy hoạch ĐBSCL, tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL.
>>>Cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 21/6, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030.
Đáng lưu ý, trong báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng.
Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế
Quy hoạch nhất quán quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và lấy hệ sinh thái tự nhiên, "con người" làm trung tâm. Theo nhiều chuyên gia, Quy hoạch này sẽ là bước ngoặc để kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng được kích hoạt, tiềm năng sẽ được đánh thức, nhờ những vấn đề nội tại dần được khắc phục, cơ hội mới được mở ra.
Theo đó, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là "phép cộng công thức" đơn thuần. Quy hoạch có tính "mở", tính linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng, với những câu hỏi kinh tế học từ trăm năm nay: "Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?" Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ đã đi vào hoạt động thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hoá các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, chuẩn hoá quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.
Sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến biến đổi khí hậu. Đặc biệt, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp "đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên" gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong Vùng: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản Vùng
Xác định nhiệm vụ xây dựng "Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ" có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển của Vùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là mô hình mới với vị thế kết nối mang tính liên vùng, có sức tác động sâu rộng đến sự tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp.
Với trách nhiệm thẩm định và trình Thủ tướng "Quyết định về quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm", Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục cùng với UBND TP Cần Thơ thực hiện các phần việc tiếp theo, nhằm nhanh chóng hoàn thiện Đề án, cùng các thủ tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2022.
>>>Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
Để hoàn thiện Đề án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, mang tính thị trường cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết cùng với Cần Thơ tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề. Thứ nhất, mô hình của Trung tâm như thế nào thì phù hợp, hiệu quả? Hoạt động theo cơ chế đầu tư công - quản trị công, đầu tư công quản trị tư hay kết hợp công tư trong đầu tư và vận hành.
“Tôi cũng biết có ý kiến đề xuất theo mô hình khu công nghiệp, tuy nhiên nhiều ý kiến chưa đồng tình vì vai trò đa chức năng, vừa vận hành theo thị trường của doanh nghiệp, vừa góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp cả vùng theo hướng bền vững, vươn tầm ra thế giới. Hơn nữa tính kết nối trung tâm với các vùng miền như thế nào, dự kiến giao thông (đường hàng không, đường bộ, đường thủy) mở rộng kết nối ra sao, cũng cần làm rõ thêm trong các bước tiếp theo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ngoài ra, cũng cần tính đến sự đa dạng về mức độ phân cực và nhu cầu kết nối của từng địa phương trong Vùng đến Trung tâm, do khác biệt về khoảng cách, sự thuận tiện trong giao thương, giao thông của từng địa phương với TP Hồ Chí Minh.
Thứ hai là các chính sách thí điểm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 có thời hạn bao lâu? Nếu chỉ đến năm 2027 cho giai đoạn thí điểm thì có đủ sức hấp dẫn để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào không, vì hiện nay Đề án vẫn chưa bắt đầu triển khai. Ngoài ra, cần tính đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong và bên ngoài Trung tâm?
Thứ ba, là câu hỏi về việc khai thác, phát huy tính liên kết vùng, kết nối hiệu quả, liên tục, đồng bộ đến từng địa phương trong vùng. Cần xác định rõ đây là Trung tâm cấp Vùng đặt tại một địa phương, hay là Trung tâm của địa phương với nhiệm vụ kết nối cấp Vùng?
Thứ tư là vấn đề lộ trình và phân kỳ đầu tư. Trong Dự thảo Đề án, kế hoạch được xây dựng đầu tư theo giai đoạn. Giả định như tại dự thảo, giai đoạn 1 là 350 ha, thì tính khả thi, hiệu quả được đánh giá như thế nào khi giai đoạn sau, diện tích đầu tư lên đến 3000 ha, thì liệu có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để thực hiện không?
Thu hút đầu tư liên Vùng
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với tôi "Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta – Đồng bằng sông Cửu Long". Liên kết Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước – Thị trường – Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới”.
Được biết, gần đây, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của Đồng bằng.
“Vấn đề là chúng ta cần nối kết, lan toả những giá trị đó. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. Khi ấy, Đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động. Bộ NN&PTNT đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bằng quy hoạch và đầu tư hiệu quả, thương hiệu "Mekong Delta" rồi sẽ được nhận biết sâu sắc với hình ảnh một Đồng bằng, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách chủ động thích ứng, vượt qua thách thức và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên.
Với việc ban hành quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, định hướng cụ thể cùng với ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân sẽ cảm thấy yên tâm hơn, sẽ thấy nhiều cơ hội hơn trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
10:30, 21/06/2022
Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long
02:00, 20/06/2022
Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
09:45, 21/06/2022