"Bão" giá xăng dầu và nguyên liệu, doanh nghiệp càng "khát" vốn
Doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục.
>>>Doanh nghiệp vận tải “lao đao” trước bão giá xăng, dầu
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhanh, rất nhiều doanh nghiệp cho biết đang cần thêm vốn để bổ sung vốn lưu động, tiếp tục triển khai dự án, mở rộng sản xuất - kinh doanh… Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn chủ yếu vẫn đến từ tín dụng ngân hàng nhưng dòng vốn này đang bị "tắc" khi nhiều ngân hàng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) để giải ngân.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục. Nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao.
“Chúng tôi đang "khát" vốn. Trước đây, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỷ đồng. Kiến nghị các ngân hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho doanh nghiệp bằng cách đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản để tăng nguồn vốn vay”, bà Chi nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nhận định kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, đào tạo, tuyển dụng lại lao động mới... Dù nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn.
Cho rằng trước giờ doanh nghiệp luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại Tân Quang Minh thẳng thắn rằng hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn này đang rất khó. Ngay như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, doanh nghiệp làm sao để tiếp cận được, có phải làm đơn kiến nghị hay đề xuất cụ thể không?
>>>Doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì đứt nguồn cung nguyên liệu
>>>Doanh nghiệp ngành gỗ lo "kìm chân" vì phụ thuộc nguyên liệu
Thậm chí, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Viettourist, phản ánh do không có tài sản thế chấp nên nhiều doanh nghiệp du lịch phải vay tín chấp với lãi suất khoảng 13%-14%/tháng. Mức lãi suất này rất khó để bảo đảm doanh nghiệp du lịch có lãi trong bối cảnh hiện nay.
"Nếu được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, chúng tôi sẽ giảm bớt áp lực tài chính về nguồn vốn tín dụng. Còn hiện tại không nhiều doanh nghiệp mặn mà vay tín chấp để hoạt động du lịch vì lãi suất cao. Như công ty tôi chủ yếu huy động vốn từ cổ đông, khách hàng mua tour trả trước hoặc vay vốn từ cổ đông", ông Hải nói.
Cũng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho rằng, hơn bao giờ hết doanh nghiệp đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian bị đình trệ do dịch Covid-19.
“Gói nhà ở xã hội, 100% vốn đều dành cho công nhân, trong khi chủ đầu tư không có nguồn vốn để xây dựng. Vốn thì có nhưng nhà đầu tư không tiếp cận được do không thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Không có tiền xây dựng thì làm gì có nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Cuối cùng là mất khả năng thanh khoản, dòng tiền nghẽn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Thực tế việc tiếp cận vốn hiện nay rất khó đối với nhiều doanh nghiệp dù Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới, nhưng ngân hàng không còn room tín dụng thì cũng không thể giải ngân được. Trong khi với doanh nghiệp thì vẫn phải hoạt động hằng ngày và rất cần vốn, mà đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu vốn cũng rất lớn nhưng không thể phát hành trái phiếu, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn, nên chỉ còn kênh chủ yếu là ngân hàng.
Do đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch HUBA, kiến nghị ngân hàng thương mại cần có chính sách giúp doanh nghiệp vay vốn giúp tái đầu tư sản xuất, phục hồi phát triển.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp để nâng hạn mức giải ngân, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đặc biệt với những đơn vị làm ăn tốt.
Có thể bạn quan tâm
Nhà đầu tư lỗ vốn 70% với cổ phiếu của “vua thép” Trần Đình Long
05:30, 21/06/2022
Hòa Thắng gọi vốn trái phiếu nghìn tỷ cho dự án từng bị bác vì chặt rừng
05:00, 21/06/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phân bổ vốn phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế bảo đảm hiệu quả
21:40, 20/06/2022