Doanh nghiệp công nghệ cần chiến lược “dài hơi” để cạnh tranh toàn cầu
Trong thế giới internet, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà còn phải cạnh tranh với thị trường toàn cầu.
>>Doanh nghiệp số trong tiến trình tái cấu trúc
TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp về những cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thời gian tới, bên lề cuộc họp báo công bố, phát động giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022, vừa tổ chức gần đây.
- Thực tế, các trung tâm R&D xuất hiện tại Việt Nam là điều tốt, nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh hơn và tạo thách thức cho các công ty công nghệ trong nước, đặc biệt về nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?
Việc các doanh nghiệp Việt Nam có đứng vững hay không trong cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển cần phải thay đổi nếp nghĩ, thói quen, mở rộng tầm nhìn và thay đổi chính sách, áp dụng những biện pháp phù hợp và thông minh hơn để cân bằng với sự cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp FDI.
Chúng ta phải có một cái nhìn rộng hơn. Trong thế giới internet, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam, mà còn phải cạnh tranh với thị trường toàn cầu.
Một người Việt Nam có thể làm việc thông qua môi trường mạng với một khách hàng ở bên Mỹ, có thể ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, chủ lao động ở châu Âu hay ở Nhật Bản.
Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp không chỉ chịu sức ép từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà còn chịu sức ép từ thị trường lao động trên toàn cầu. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể sử dụng các lao động toàn cầu.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng lao động ở các nước khác để thực hiện các công việc của mình. Điều này trong 2 năm vừa qua tôi có quan sát và nhận thấy các doanh nghiệp nội đã tận dụng được.
Như vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải biết tìm và nắm bắt từ các cơ hội. Muốn thành công, doanh nghiệp phải có những mô hình kinh doanh phù hợp.
- Có ý kiến cho rằng, muốn tồn tại thì các công ty công nghệ trong nước phải biết cạnh tranh với các “ông lớn” giàu kinh nghiệm và tiềm năng tài chính. Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ trong nước phải có cái nhìn thực tiễn, đó là coi các doanh nghiệp công nghệ FDI vừa là đối thủ vừa là đối tác của nhau. Xin được nghe quan điểm của ông về ý kiến trên?
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Trong hai năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác rất tốt thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp startup tăng trưởng rất nhanh và đã bước chân được vào nhiều thị trường khó tính, như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đã có một số doanh nghiệp còn vươn tới thị trường châu Âu.
Khi trao đổi với tôi, các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, thị trường rất rộng lớn, vấn đề là có đủ năng lực cung cấp hay không, vì cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam là không thiếu. Muốn thành công, doanh nghiệp phải có những mô hình kinh doanh phù hợp.
Cùng với đó là xây tìm kiếm đối tác để xây dựng hệ sinh thái. Hệ sinh thái này có thể của doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài. Ví dụ, Samsung xây dựng hệ sinh thái có các nhà cung cấp ở nhiều cấp độ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào hệ sinh thái của họ.
Theo tôi được biết, hiện nay các hội, hiệp hội cũng như liên minh các doanh nghiệp công nghệ số ở TP. HCM đã tạo ra hệ sinh thái để cùng nhau tiến vào các thị trường lớn trên thế giới. Hay như Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng đã xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp.
Khi tạo ra hệ sinh thái thông qua các công ty hợp doanh, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp nhận “bài toán” công nghệ từ nước ngoài về, nhưng bản thân năng lực lại không hấp thụ hết. Do đó, cần liên kết hoặc trở thành đối tác với doanh nghiệp khác để “giải” những “bài toán” lớn và khó hơn.
- Thưa ông, hiện nay nhiều sản phẩm công nghệ của Việt Nam, như smartphone VinSmart, camera AI của Bkav, thiết bị mạng VNPT… đều sử dụng các linh kiện của Qualcomm. Và Qualcomm nói rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của trung tâm R&D của họ tại Hà Nội là hỗ trợ các đối tác trong nước phát triển sản phẩm. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
Tôi đã từng dự một sự kiện của Qualcomm và được họ chia sẻ cũng rất muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Theo tôi, đây là những điểm rất tích cực. Tuy nhiên, ở đây không phải là phần mềm hay dịch vụ công nghệ thông tin, mà là lĩnh vực liên quan đến công nghiệp phần cứng điện tử.
Lĩnh vực này đòi hỏi rất nhiều vấn đề, như đầu tư lớn, bản quyền sở hữu trí tuệ… Nếu Việt Nam không làm tốt vấn đề này thì rất khó phát triển công nghiệp phần cứng điện tử. Nhưng với phầm mềm dịch vụ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều ưu thế, hiện nay chúng ta đã trở thành nhà cung ứng số 1 tại thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó, phần cứng điện tử như smartphone VinSmart hay Bphone của Bkav mặc dù có những thành công nhất định nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Lý do, lĩnh vực này đòi hỏi đầu tư rất lớn, thậm chí có thể sản xuất được một chiếc điện thoại bán tại thị trường Việt Nam, nhưng lại rất khó bán sang thị trường Mỹ. Vì rất có thể bị vi phạm về bản quyền.
Cho nên, việc xây dựng các đối tác chiến lược, học hỏi kinh nghiệm của các nhà sản xuất phần cứng giống như Hàn Quốc cách đây 20 năm họ học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản và Mỹ để có được thành công như ngày hôm nay. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải học hỏi nhiều thì mới có thể thành công trong lĩnh vực phần cứng điện tử.
- Vậy, theo ông các doanh nghiệp công nghệ trong nước cần phải làm gì để đứng vững và phát triển?
Theo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin thì các doanh nghiệp Việt Nam đã tương đối làm chủ thị trường. Thời gian tới chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững được thị trường này.
Còn trong phần cứng điện tử thì đây là một vấn đề khó, vì đòi hỏi rất nhiều về vốn, nhân lực, sở hữu trí tuệ… Như vậy, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này cần phải có chiến lược “dài hơi”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thị trường văn phòng nhận tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp công nghệ
04:00, 14/05/2022
Doanh nghiệp công nghệ “đảo chiều” dòng chảy “chất xám Việt”
16:50, 14/12/2021
Doanh nghiệp công nghệ Việt tự tin cùng Chính phủ chống COVID-19
11:30, 17/06/2021