Ngành xây dựng trước thách thức hậu Covid-19
Hậu Covid-19, Ngành xây dựng Việt Nam đang “đụng độ” với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng đâu đó vẫn ẩn dấu những cơ hội.
>>Thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn, tư lệnh ngành Xây dựng đề xuất giải pháp gì?
Đây là nhận định của ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM về những thách thức của ngành xây dựng Việt Nam tại hội thảo “Thách thức và cơ hội cho nguồn nhân lực ngành xây dựng Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Tại hội thảo, các diễn giả, các sinh viên đã thảo luận, trao đổi thẳng thắn về thách thức và cơ hội cho nguồn nhân lực ngành xây dựng Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, điểm nhấn là câu trả lời của ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM khi nhìn nhận về thách thức, khó khăn mà ngành xây dựng, vật liệu xây dựng đã và đang trải qua hậu Covid- 19.
Dưới góc độ là người quản lý trong ngành xây dựng, đồng thời cũng là doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng triệu sản phẩm ra thị trường quốc tế trong gần 30 năm, ông Đinh Hồng Kỳ đánh giá: Sau dịch Covid-19 thị trường ngành xây dựng có nhiều mảng tối, thậm chí cả thị trường Mỹ và Trung Quốc đều đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam, cũng như thị trường xây dựng toàn cầu.
Cụ thể, “tại Việt Nam, các dòng tiền, các công trình xây dựng cũng suy giảm và trị trệ khá nhiều. "Từ bài học của doanh nghiệp chúng tôi, sau 2 năm Covid-19, hiện nay sản lượng xuất khẩu của chúng tôi cũng giảm đi 70% trên thị trường thế giới. Điều đó cho thấy rằng là sự suy giảm của vật liệu xây dựng sẽ dẫn tới sự suy giảm của ngành xây dựng trên thế giới, tuy nhiên tiềm năng của ngành vẫn còn rất lớn. Vấn đề ở đây là làm sao các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu như Hòa Bình phải đưa được các giải pháp trong tình hình mới?" - ông Kỳ nói.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, hiện nay, các vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã thay đổi mạnh mẽ tập quán tiêu dùng trên thế giới. Các môi trường sống, các không gian sống cũng sẽ thay đổi rất nhiều, kéo theo sự thay đổi lớn của công nghệ xây dựng. Do vậy, cần các giải pháp trong ngành xây dựng, các giải pháp trong ngành vật liệu xây dựng để tạo ra môi trường sống phù hợp với bối cảnh mới.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM, trong bối cảnh mới hiện nay, không chỉ ngành xây dựng, các trường đào tạo xây dựng mà toàn thế giới hiện nay đang đứng trước vô vàn thách thức lớn. Đó là thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, phòng chống dịch bệnh...
Tại hội nghị COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có tổng lượng khí thải ròng bằng 0. Đây tiếp tục là một thách thức lớn, bởi thực tế hiện nay Việt Nam luôn lọt top những quốc gia tạo ra lượng khí thải đứng đầu thế giới.
>>Ngành xây dựng vẫn thiếu dữ liệu số
Đất nước chúng ta đang ở nền kinh tế tuyến tính, trong khi đó các nước phát triển đã bước qua nền kinh tế tuyến tính, nền kinh tế tái sử dụng và đang tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. Có thể thấy, hiện tại, đất nước chúng ta đang ở mức rất thấp so với các nước phát triển trên toàn cầu. Vậy làm sao chỉ trong hơn 25 năm tới, Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra?
Theo vị Phó Chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM, trong một số nghiên cứu về nền kinh tế, các học giả đưa ra lời khuyên rằng nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu “zero” khí thải ròng thì buộc phải đi theo nền kinh tế tuần hoàn. Có 6 giải pháp đưa một nền kinh tế trở thành nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có 2 yếu tố liên quan đến ngành xây dựng, cũng như 2 giải pháp trong ngành xây dựng.
Yếu tố thứ nhất liên quan tới 3R: Reduce (Giảm thiểu, giảm thiểu rác thải), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế, tái sử dụng). Trong một công bố của Liên Minh Châu Âu, người ta thống kê rằng lượng rác thải trong các ngành xây dựng (bao gồm cả việc phá hủy, tu sửa lại các công trình) của Liên Minh Châu Âu chiếm 1/3 lượng rác thải trên toàn thế giới. Có thể thấy rác thải trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất “khủng khiếp” đến mức nào. Còn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ,... hay các nước Châu Phi không thể hình dung được lượng rác thải mà môi trường phải gánh chịu hàng ngày hàng giờ.
“Đặc biệt, trong công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, chúng ta cần nỗ lực đưa ra các giải pháp góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, tạo ra môi trường sống tốt đẹp” ông Kỳ chia sẻ thêm.
Trong khuôn khổ buổi Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình và Trường đại học Xây dựng. Thỏa thuận hợp tác này được kỳ vọng là bước đệm vững chắc để tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường, giữa cơ sở giáo dục dạy học với các doanh nghiệp trong cả nước.
Kết thúc buổi hội thảo, Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình đưa ra chương trình học bổng dành cho sinh viên tài năng Khối Ngành xây dựng, mỗi suất học bổng trị giá 100 triệu đồng/ suất. Chương trình học bổng được coi là bước tiếp sức đầu tiên sau Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác của hai đơn vị, đồng thời cho thấy tầm nhìn dài hạn mong muốn thu hút nhân tài của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn, tư lệnh ngành Xây dựng đề xuất giải pháp gì?
21:28, 08/06/2022
Ngành xây dựng vẫn thiếu dữ liệu số
00:00, 19/04/2022
Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?
11:00, 15/03/2022
3 khâu đột phá của ngành Xây dựng
05:00, 01/02/2022
Cải cách hành chính 2021: Điểm sáng tích cực của ngành xây dựng
04:10, 31/01/2022