“Rộng cửa” xuất khẩu nhưng thị phần rau quả lại khiêm tốn
Mặt hàng rau quả của Việt Nam dù được đánh giá có lợi thế, song chưa tận dụng được hết các cơ hội. Vì thế thị phần tại các khu vực EU còn hết sức khiêm tốn.
>>>Hỗ trợ kết nối giao thương, xuất khẩu nông sản sang EU
Lạm phát, giá lương thực thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới tăng cao là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu nông sản nói chung và rau củ quả nói riêng.
Chưa nắm bắt được cơ hội
Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn với hàng nông sản Việt Nam. Với 27 nước thành viên và số dân lên đến hơn 500 triệu người, nhu cầu lương thực thực phẩm của EU là rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian qua, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá lương thực, lạm phát tăng cao, nhu cầu nhập khẩu lương thực tại khu vực đồng Euro càng lớn.
Ông Dirk Jacobs - Tổng Giám đốc Hiệp hội thực phẩm đồ uống châu Âu thông tin: “Chúng tôi không đủ cung cấp thực phẩm cho chính mình nên cần nhập khẩu. Người tiêu dùng EU có nhu cầu lớn các mặt hàng nông sản tươi, nông sản đã qua chế biến sẵn cho chất lượng cao, an toàn”.
Các đầu mối nhập khẩu thực phẩm lớn tại EU thông tin thêm: Sau dịch Covid-19, xu hướng và hành vi tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Họ ưa thích tiêu dùng xanh và chuyển hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ, đa dụng và tốt cho sức khỏe. Trong đó, rau củ quả nhiệt đới là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất.
Người tiêu dùng châu Âu cũng rất ưa thích các sản phẩm rau củ quả đông lạnh, nước trái cây đóng chai... qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại.
Những mặt hàng trên là thế mạnh của Việt Nam với nền nông nghiệp nhiệt đới đặc trưng, quanh năm đều có rất nhiều trái cây, rau xanh đặc sản. Trong đó, nhiều loại rau củ đã được chuẩn hóa theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ như xoài cát, vải thiều, thanh long, nhãn lồng, nhãn chín muộn...
Tại EU, nhu cầu nhập khẩu nông sản mỗi năm có thể đạt đến con số 160 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam chưa nắm bắt hết cơ hội này khi mà nông sản của nước ta chỉ chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu tại thị trường EU đầy tiềm năng.
Thay đổi để thích nghi
Nhấn mạnh đến các cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tại EU, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa phương (Bộ Công Thương) cho biết: ngoài nhu cầu tiêu dùng lớn, Hiệp định EVFTA cũng mang nhiều lợi tích cho nhà nông, doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài việc loại bỏ mức thuế quan, EVFTA là hiệp định đầu tiên và duy nhất có bảo hộ chỉ dẫn địa lý với con số hiện nay là 39, trong đó có mặt hàng rau củ quả. Trong thời gian tới bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được mở rộng thông qua đàm phán giữa hai bên.
Để nắm bắt tốt các cơ hội thị trường xuất khẩu mang lại, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh đến việc phát triển đồng bộ những yếu tố liên quan đến kỹ thuật, hạ tầng, đầu tư, lực lượng lao động, ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã... theo đặc thù.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm hơn đến nội dung quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Đó là quản trị giá thành sản phẩm trong khâu sản xuất, chế biến để xác định biên độ lợi nhuận. Làm được điều này, doanh nghiệp sẽ hạn chế được rủi ro khi nguyên vật liệu đầu vào, vận chuyển biến động. Các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ về tín dụng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất phù hợp để doanh nghiệp xây dựng mức giá bán sản phẩm phù hợp.
Đại diện một số đối tác nhập khẩu nông sản Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đúng sản phẩm chiến lược, thường xuyên cập nhật, tiếp cận các tiêu chuẩn của đối tác để điều chỉnh sản xuất trước khi tính đến chiến lược tiếp thị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm