Đưa thanh toán không tiền mặt đến các tiểu thương

HẠNH LÊ 25/07/2022 01:30

Nhiều người dân đã dần bỏ thói quen thanh toán tiền mặt và thay bằng thanh toán trực tuyến, ngay cả với các dịch vụ vài chục ngàn đồng như uống trà, đổ xăng, mua cơm bình dân...

>>>Khuyến khích thanh toán dịch vụ y tế, giáo dục không tiền mặt

Chỉ cầm theo người vài chục ngàn đồng nhưng gia đình chị Phạm Diệu Anh ở ngõ 122 phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn có thể mua sắm, vui chơi, ăn uống thoải mái cả ngày tại một trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội. Hàng chục giao dịch được chị thực hiện nhưng không có giao dịch nào được thanh toán bằng tiền mặt. Thay vào đó, chị quét mã QR code ở tài khoản ngân hàng ở điện thoại di động.

Các giao dịch thực hiện rất nhanh, chỉ mất 1 - 2 phút là hoàn thành. “Rất tiện lợi, tôi không bị mất thời gian và phí rút tiền từ tài khoản cá nhân, không phải chờ đợi trả tiền thừa và không lo bị lấy mất ví ở những chỗ đông đúc, chen lấn như thế này” - chị Diệu Anh cho biết.

Nhiều cửa hàng nhỏ lẻ khác ở Hà Nội như quán nước, quầy bán cơm bình dân trước đây thích khách hàng trả “tiền tươi thóc thật” thì nay đã niêm yết thêm tờ giấy ghi số tài khoản để tiện cho khách hàng thanh toán. “Từ đợt dịch Covid-19 bùng phát, do hạn chế tiếp xúc với người mua nên tôi mở tài khoản ngân hàng. Sử dụng nhiều thành quen và thấy tiện lợi vì thanh toán nhanh, không mất thời gian đi lại” - chị Bích Hạnh, chủ quán bún mọc tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.

Rất nhiều người dân đã quen với việc thanh toán qua các app thay vì sử dụng tiền mặt

Rất nhiều người dân đã quen với việc thanh toán qua các app thay vì sử dụng tiền mặt

Ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc kinh doanh của VNPAY - QR cho biết, thói quen không dùng tiền mặt đang tăng nhanh ở Hà Nội và các thành phố lớn trên cả nước. Trước đây, người dân có thói quen dùng tiền mặt chi trả cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày tại chợ dân sinh, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thì hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã “lấn sân” mạnh mẽ. Nhiều người sử dụng thanh toán điện tử cho những chi tiêu nhỏ lẻ, thiết yếu như mua xăng, uống cà phê, trà đá… Hiện VNPAY-QR có hơn 200.000 điểm thanh toán trên toàn quốc, bao phủ nhiều ngành nghề, địa điểm như mua sắm, trung tâm thương mại, bệnh viện, các đơn vị giáo dục…

Không chỉ VNPAY - QR, nắm bắt xu hướng tích cực này, ngày càng nhiều các đơn vị thanh toán trung gian gia tăng tiện ích để “lấy lòng” khách hàng và mở rộng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt đến nhiều ngành nghề, địa điểm trên toàn quốc để hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất, thuận tiện và dễ dàng.

Các ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc khi đã kịp thời cải tiến giao diện theo hướng thân thiện với người sử dụng; bổ sung các tính năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, tận dụng lợi thế có sẵn khách hàng sử dụng app trên điện thoại di động. Đồng thời, không ngừng mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn.  

Vì vậy, không có gì lạ khi ngày càng có nhiều địa điểm rất bình dân, đời thường đã sử dụng ứng dụng thanh toán không tiền mặt như quán trà đá, cửa hàng ăn uống vỉa hè, các địa điểm bán xăng dầu… Với cách sử dụng đơn giản, tiện lợi, đối tượng khách hàng thanh toán không tiền mặt không chỉ là thanh niên trẻ thuộc thế hệ Gen Z mà còn có cả U50.

Các công ty, ngân hàng đang hướng đến việc mở rộng thanh toán điện tử tới các hộ kinh doanh nhỏ lẻ (ảnh: PV)

Các công ty, ngân hàng đang hướng đến việc mở rộng thanh toán điện tử tới các hộ kinh doanh nhỏ lẻ (ảnh: PV)

Đại diện lãnh đạo Công ty CP di động trực tuyến (M_Service), đơn vị chủ quản của ví điện tử Momo cho biết: bên cạnh các chương trình khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ, công ty còn có nhiều đổi mới để hướng đến đối tượng khách hàng tiềm năng là các tiểu thương. Công ty có giải pháp mới để hỗ trợ các tiểu thương, các đơn vị kinh doanh nhỏ chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.

“Chúng tôi cung cấp dịch vụ đến các tiểu thương, họ không mất nhiều thời gian, chỉ trong vòng 5 phút la có thể sử dụng dịch vụ trên điện thoại di động một cách đơn giản”- đại diện công ty thông tin. Hiện nay Momo đang triển khai tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng và mong muốn triển khai ở Hà Nội.

Việc đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến chợ dân sinh, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, theo đánh giá của đại diện công ty là thuận lợi nhiều không khó khăn, chỉ cần có sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Người dân đã quen sử dụng thanh toán không tiền mặt qua truyền thông, đặc biệt qua dịch bệnh Covid -19, người dân hiểu được tầm quan trọng của thanh toán điện tử và chuyển đổi số.

“Vấn đề là chúng ta đến gặp trực tiếp các hộ kinh doanh, cho họ thấy được lợi ích thực chất của thanh toán không tiền mặt. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng rất quan trọng trong việc cung cấp giải pháp, bán hàng, quản lý khách hàng. Nhìn thấy lợi ích, các hộ kinh doanh nhỏ tham gia một cách nhanh chóng và hợp tác” - đại diện công ty CP di động trực tuyến (M_Service) nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh toán điện tử lên ngôi trong đại dịch COVID-19

    Thanh toán điện tử lên ngôi trong đại dịch COVID-19

    13:33, 26/11/2021

  • Thanh toán điện tử Đông Nam Á sẽ theo mô hình của Ấn Độ

    Thanh toán điện tử Đông Nam Á sẽ theo mô hình của Ấn Độ

    00:50, 14/11/2021

  • AEON Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

    AEON Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

    12:15, 01/07/2022

  • NHNN: Đã có 1,1 triệu khách hàng dùng Mobile Money, thanh toán không tiền mặt tăng 69,7%

    NHNN: Đã có 1,1 triệu khách hàng dùng Mobile Money, thanh toán không tiền mặt tăng 69,7%

    04:00, 21/05/2022

  • Ngày thẻ Việt Nam lần 2: Trải nghiệm công nghệ thanh toán không tiền mặt

    Ngày thẻ Việt Nam lần 2: Trải nghiệm công nghệ thanh toán không tiền mặt

    17:13, 06/04/2022

HẠNH LÊ