Doanh nghiệp hàng không "ngược dòng"
Bất chấp giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp ngành hàng không vẫn ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo.
>>>DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không - có cũng khó lãi
Trong tháng 7 vừa qua, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam, đạt gần 12 triệu lượt khách. Trong đó, lượng hành khách nội địa đạt 10,6 triệu lượt, tăng hơn 40%, lượng khách quốc tế đạt 1,3 triệu lượt giảm 65%.
Tăng trưởng vượt dự báo
Tính chung 7 tháng đầu năm, có 56,1 triệu khách qua các cảng hàng không, tăng 111% so với cùng kỳ 2021. Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 27,7 triệu khách, tăng 104% so với cùng kỳ 2021, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu, tăng 1.939% so với cùng kỳ 2021. Khách nội địa đạt 26,1 triệu khách, tăng 97% so với cùng kỳ 2021.
Riêng trong tháng 7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 5% so với tháng trước và tăng 38% so với thời điểm trước Covid-19 năm 2019.
Người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo.
Khá lạc quan về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trong quý 2, doanh thu của Vietnam Airlines tăng mạnh 178% đạt 18.324 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 190% trong đó doanh thu nội địa tăng 252% và doanh thu quốc tế tăng 1.039% so với cùng kỳ.
Tương tự, Vietjet cũng ghi nhận, trong quý II vừa qua, doanh thu hợp nhất đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 khi Covid chưa bùng phát. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 181 tỷ đồng, thấp hơn quý đầu năm nhưng cao gấp 40 lần cùng kỳ 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất 16.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 426 tỷ đồng.
Như vậy, bất chấp giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp ngành hàng không vẫn ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, giúp mức lỗ của hãng hàng không cũng giảm đáng kể. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, quý II/2022, mức lỗ của công ty Mẹ Vietnam Airlines ít hơn 44% so sánh cùng kỳ, chỉ dừng ở mức 2.243 tỷ đồng. Mức lỗ của hợp nhất ít hơn 43% so sánh cùng kỳ, chỉ ở mức 2.568 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, kết quả cũng khả quan hơn, khi mức lỗ công ty mẹ chỉ 4.685 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 39%, mức lỗ hợp nhất là 5.254 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 40%. “Kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Thậm chí, đại diện hãng hàng không còn khẳng định, nếu giá nhiên liệu không quá cao, khoản lỗ của doanh nghiệp nhiều khả năng đã thấp hơn con số hiện nay.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khắc phục ùn tắc giao thông tại các cảng hàng không
>>>Dừng dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không
Vẫn còn những khó khăn
Dù giảm lỗ gần một nửa, tuy nhiên, các khó khăn còn tồn tại khiến hàng không chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay - chiếm 40% chi phí khai thác đang tăng cao đột biến, mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ.
Đơn cử như năm 2021, giá nhiên liệu bình quân là 72 USD/thùng. Nhưng 6 tháng đầu năm 2022, con số này đã là 116 USD/thùng, bình quân cả năm 2022 dự kiến lên tới 138 - 140 USD/thùng.
“Giá nhiên liệu năm nay cao gấp đôi 2021. Thực tế, nhiều hãng hàng không đã phải ngừng bay chỉ vì giá nhiên liệu. Nigeria Airways đã phải dừng bay. Qantas Airlines cũng đã giảm hàng loạt chuyến bay nội địa vì giá nhiên liệu quá cao”, ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Hiền cho biết giá nhiên liệu hiện 162 USD/thùng. Nếu mức giá này cứ duy trì đến cuối năm thì chi phí tăng thêm sẽ lên tới 4.300 tỷ.
Trong khi đó, với Vietjet, năm 2022, hãng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở giá xăng dầu ở mức 80 USD/thùng. Với giá xăng dầu hiện nay, Vietjet sẽ gánh thêm chi phí 6.500 -7.500 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc chi phí nhiên liệu tăng cao nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác toàn ngành, các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn khi phục hồi, mở rộng mạng bay, thậm chí phải đóng bớt một số đường bay do không cân đối được chi phí.
Bên cạnh đó là sự hồi phục chậm của thị trường quốc tế cũng là khó khăn với doanh nghiệp hàng không, đơn cử với Vietnam Airlines, thị trường quốc tế chiếm tới 65% doanh thu của hãng nhưng 6 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch, do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines mới nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so sánh trước đại dịch là 2019. Hãng cũng chưa thể khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga do những hạn chế từ phía nhà chức trách hoặc căng thẳng chính trị.
“Hiện tỷ lệ khôi phục các đường bay quốc tế mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch. Trong đó, quá trình các đường bay liên quan đến hai quốc gia Hàn Quốc và Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng lo lắng lo ngại. Đồng thời cho biết, dịch đậu mùa khỉ xuất hiện, các quốc gia có xu thế siết chặt công tác kiểm soát dịch.
Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không chưa thể mạnh do việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm 2022. Như vậy, lợi nhuận của cả ngành hàng không ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi.
Theo đó, sản lượng khách trong nước tiếp tục đà tăng đạt 98 triệu lượt khách, tương ứng mức tăng 10% so với cùng kỳ. Khách quốc tế cũng tiếp tục tăng mạnh đạt 29 triệu lượt khách, thấp hơn 19% so với mức trước COVID. Kịch bản này được xây dựng trên giả định rằng các quốc gia láng giềng sẽ thực hiện chính sách chống dịch linh hoạt để mở cửa trở lại hoàn toàn vào 2023. Đến cuối 2023, SSI Research ước tính khách quốc tế sẽ hồi phục hoàn toàn về mức 2019 (3 triệu lượt khách/ tháng).
Cũng trong năm 2023, các hãng hàng không cần tái khởi động các tuyến bay trước COVID đến thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt và khả năng nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu. Mặc dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận vẫn có thể tích cực do mức so sánh thấp trong năm 2022 và một số nhu cầu dồn nén về du lịch quốc tế sau 3 năm. Giá dầu bình thường hóa có thể giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không - có cũng khó lãi
10:00, 24/07/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khắc phục ùn tắc giao thông tại các cảng hàng không
20:00, 21/07/2022
Dừng dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không
23:42, 20/07/2022
Thị trường hàng không nội địa đã thực sự hồi phục?
03:00, 17/07/2022