Đồng bộ giải pháp giảm phác thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp
Thực tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để hoàn thiện những cam kết với quốc tế tại COP26, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy chế hoạt động của BCĐ quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26
Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Trên thực tế, hiện nay nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Theo đó, phát thải tập trung ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất phát thải... Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, CH4 và N2O.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ NN&PTNT, nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, để hội nhập trong kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phầm xanh, ít phát thải và bền vững.
Do đó, Bộ NN&PTNT đang định hướng xây dựng những chính sách quản lý sử dụng tài nguyên hướng thân thiện với môi trường, nhấn mạnh vào 2 ngành có lượng thải carbon lớn của Việt Nam là chăn nuôi và trồng lúa.
Được biết, hiện nay Việt Nam đã hoàn thành đề xuất chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi theo cam kết COP26. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành chăn nuôi vì những tác dụng và hiệu quả của chương trình mang lại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo nguồn năng lượng sạch và có thể bán tín chỉ tạo nguồn thu cho người dân và cho ngân sách nhà nước.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hiện thực hóa những cam kết này cũng như thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, chúng ta cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội từ đó phát triển một nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững.
>>>Dự thảo tuyên bố chung của COP26: Kêu gọi loại bỏ nguyên liệu hóa thạch
>>>COP26 và niềm tin phát triển bền vững
Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050".
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty Nestle' Việt Nam cho biết là một doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chiếm tới 25% sản lượng cà phê của cả nước, Nestle' Việt Nam nhận thức rõ gần 2/3 lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé. Theo đó, ngay từ cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố cam kết phát thải ròng bằng "0" – Net Zero - vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.
Đơn cử với một lĩnh vực ngành hàng, TS Nguyễn Thế Hinh, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề xuất, để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: áp dụng công nghệ “nông lộ phơi”, tức là chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí Metan. Tuy nhiên, với giải pháp này cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chí phí đầu tư tương đối lớn. Do đó, nếu không có các nguồn lực hỗ trợ, nhiều nông dân sẽ chưa muốn làm theo. Đồng thời, để áp dụng biện pháp này cần có diện tích canh tác lúa tập trung nên chỉ có một số địa bàn cụ thể mới có thể áp dụng.
Giải pháp tiếp theo cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, theo TS Nguyễn Thế Hinh đó là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác. Do lượng phát thải trong cây trồng cạn thấp nên chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện chuyển đổi đất sản xuất 2-3 vụ lúa sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ màu. Để đạt hiệu quả bền vững, đòi hỏi mỗi địa phương phải có quy hoạch cụ thể liên quan đến sản xuất, thị trường sản phẩm cũng như chi phí đầu tư cảo tạo hệ thống thủy lợi, cơ sở chế biến.
Trước đó, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí methan toàn cầu" và cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".
Có thể bạn quan tâm
Hưng Yên có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao
14:22, 30/07/2022
Áp dụng công nghệ trong chăn nuôi đại gia súc và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp
03:15, 26/07/2022
Hải Dương: Phát triển nông nghiệp xanh, đa tầng, đa giá trị
13:59, 23/07/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long
20:00, 19/07/2022
Ứng dụng nông nghiệp 4.0 giúp thanh niên nông thôn tiếp cận với công nghệ mới
00:02, 18/07/2022
Liên kết nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
17:20, 13/07/2022