Cần chính sách linh hoạt với kinh tế vỉa hè
Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể thả lỏng nhưng không thể dẹp bỏ kinh tế vỉa hè. Mà cần sử dụng linh hoạt, ứng xử phù hợp giữa các nhóm và sắp xếp quy củ hơn.
>>>Tạo giá trị từ “kinh tế vỉa hè”
Chia sẻ tại Talk “Nền kinh tế vỉa hè Việt Nam liệu có quan trọng”, Ths.KTS Lê Nguyễn Hương Giang, Nhà sáng lập và CEO của GK Archi cho biết, kinh tế vỉa hè được hình thành bắt đầu từ từ những hạt nhân kinh tế nhỏ lẻ vùng nông thôn.
Bắt đầu từ những “hạt nhân kinh tế nhỏ”
Những vùng ngoại ô, khi những ngày nông nhàn, hoặc những vụ vào mùa với những sản vật cây trái phong phú, người nông dân thường có tư duy đưa về thành thị sẽ bán được dễ dàng với giá cao. Một điều hết sức tự nhiên, chính những sản vật thơm ngon ở vùng quê, và tính thơm thảo, chất phác của người dân thôn quê đã mang tới cho người đô thị những hương vị quê nhà phong phú, tươi ngon.
Khi những người dân mang những sản vật lên thành phố, lẽ dĩ nhiên, họ sẽ đi khắp các phố phường, ngõ hẻm để rao bán. Dần dà, họ “đậu” tại một nơi cố định để nhiều người biết hơn, thuận tiện hơn và dễ liên lạc hơn. Và hè phố chính là nơi đầu tiên khơi nguồn bày bán những sản vật này.
“Những người bán vỉa hè là những người có chi phí thấp. Từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần vãn hóa, một nét đặc trưng trong kinh tế đô thị không chỉ của Việt Nam mà của hầu hết quốc gia mà chúng tôi nghiên cứu”, bà Lê Nguyễn Hương Giang chia sẻ.
Theo đó, lấy ví dụ tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…bà Lê Nguyễn Hương Giang cho biết họ vẫn có kinh tế vỉa hè, vẫn có những nơi chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. “Tất cả những nền kinh tế đô thị mà tôi nghiên cứu đều có văn hoá vỉa hè, thể hiện được nét văn hoá thưởng thức những món ăn, văn hoá, thói quen sinh hoạt của người dân ở nền kinh tế đó”, Nhà sáng lập và CEO của GK Archi cho biết.
Thậm chí, trong giai đoạn Covid-19 hiện nay với những yêu cầu về giãn cách, bà Giang cho biết vỉa hè cần khoảng không gian lớn hơn, các quán vỉa hè thậm chí chiếm thêm xuống lòng đường.
Nhấn mạnh mỗi nền kinh tế có nét đặc thù riêng của kinh tế vỉa hè, Nhà sáng lập và CEO của GK Archi khẳng định khó nơi nào có những hàng quán vỉa hè chỉ ngồi trên 1 chiếc ghế nhựa hay chiếc chiếu như ở Việt Nam.
>>>Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 2) Nghiên cứu thành lập Công ty quản lý và khai thác vỉa hè
>>>Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 3) Phải hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân
Có nên “xoá bỏ”?
Bày tỏ quan điểm về việc có nên “xoá bỏ” vỉa hè, bà Giang nhắc lại câu chuyện vào năm 2017, TP Hồ Chí Minh mở chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương, dọn dẹp vỉa hè một cách quyết liệt mở đầu từ Quận I. Kết quả là đường phố thông thoáng hơn, ngăn nắp, gọn gàng hơn, người đi bộ đi lại thuận tiện hơn, nhưng những sinh hoạt thân quen thường ngày biến mất. Không hàng rong, không có trao đổi, mua bán trên vỉa hè, trong khi các cửa hàng, quán ăn vẫn mở cửa như mọi khi, nhưng người ta lại cảm thấy thiếu sức sống, thiếu sự nhộn nhịp vốn có.
Và chỉ chưa đầy tháng, các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân tới tấp gửi đến lãnh đạo cao nhất của TP. Thế là chiến dịch dọn dẹp vỉa hè phải dừng lại sau 3 tháng triển khai.
Nhắc tới mô hình kinh tế vỉa hè tại Boston khiến du khách thích thú khám phá, bà Giang cho biết đã đề xuất khu freedomtrail Sai Gon tại TP HCM. Đồng thời cho rằng, khi có sự ngăn nắp của những hàng quán cùng với các địa danh của TP đã tạo thành điểm hấp dẫn thú vị hơn.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cũng đánh giá chiến lược “dọn sạch” vỉa hè của TP HCM bắt nguồn từ những ý tưởng tích cực, nhưng thực tế đã khó thành công theo cách đi như vậy.
Ông Thành đánh giá, vỉa hè trong một đô thị về cơ bản là hàng hoá công cộng, một người sử dụng không làm hạn chế quyền của người khác.
“Đã là hàng hoá công cộng gắn với quyền được sử dụng của tất cả mọi người ở mật bằng đó. Thông thường vỉa hè được hiểu là công cộng ở việc đi chung. Đôi khi nó được biến thành hàng hoá tư nhân, tức là khi có người sử dụng thì việc người khác sử dụng sẽ khó khăn hoặc tranh chấp, đây là câu chuyện ứng xử”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết đã có rất nhiều bài viết trong và ngoài nước nói về nét văn hoá của Hà Nội, TP HCM gắn với kinh tế vỉa hè. Vậy khung khổ chính sách nào để vỉa hè là hàng hoá công nhưng lại được sử dụng tốt nhất theo cả nghĩa phát huy văn hoá, ứng xử tốt của con người, hình ảnh đẹp của những thành phố như HN, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng với các lợi ích khác về xã hội như thu nhập,…cân bằng với tư nhân sử dụng, tránh xung đột, va chạm.
Ông Thành đánh giá: “Đây là bài toán rất thách thức, cần đi tìm điểm cân bằng giữa lợi ích và xung đột không cần thiết thì đa số người ta sẽ chọn linh hoạt, ít va chạm mặt xung đột mà vẫn giữa được lợi ích kinh tế to lớn”.
Theo đó, có những cách như phân khu, sắp xếp lại các tuyến phố kinh doanh vỉa hè…dù cách nào thì ông Thành cho rằng các khu vực thành phố đều làm được ví dụ chọn khu phố kinh doanh, khu phố đi bộ.
Cùng với sự hình thành của kinh tế vỉa hè, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh sẽ tạo ra văn hoá vỉa hè, nhưng khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thể bao quát hết được, do đó, cần chọn cách cư xử linh hoạt thích ứng kinh tế vào văn hoá vỉa hè.
Đồng quan điểm, Bà Giang bày tỏ quan điểm không nên “xoá bỏ” vỉa hè mà nên giữ lại đó là nét đặc thù của đô thị ở Việt Nam. Nhưng cần có sự quy hoạch, sắp xếp, tổ chức quy củ hơn bởi các vấn đề liên đới như mỹ quan đô thị, an toàn đô thị.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Nhếch nhác vỉa hè đại lộ trung tâm thành phố Vinh
03:20, 17/05/2022
Hà Nội cho thuê vỉa hè: Lo không còn chỗ cho người đi bộ
05:00, 02/01/2022
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Chuyện mở kinh doanh vỉa hè vì dịch
03:28, 02/01/2022
Cận cảnh dự án hàng nghìn tỷ đồng “đại tu các vỉa hè” tại Hà Nội
04:50, 06/08/2021