Thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận tải "chỉ tăng không giảm giá"

THY HẰNG 08/08/2022 14:27

Bên cạnh bị xử lý vi phạm hành chính về giá, doanh nghiệp có thể phải trả lại tiền cho khách hàng nếu thu quá và thậm chí có thể bị thu hồi phù hiệu.

>>>Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu

Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022, tuy nhiên giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm… vẫn giữ giá cao. Đặc biệt, cước vận tải không có dấu hiệu điều chỉnh giảm, thậm chí vẫn còn được neo cao hơn là một trong những bức xúc.

Những đơn vị vận tải

Những đơn vị vận tải "chỉ có tăng mà không có giảm", không phù hợp với tình hình nhiên liệu giảm sẽ áp dụng các quy định pháp luật, thậm chí có thể thu hồi phù hiệu.

Theo Bộ GTVT, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% cấu thành nên giá thành vận tải. Do đó giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải lập tức tăng theo. Tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải không giảm là bất hợp lý.

Bộ GTVT cho rằng đối với vận tải đường bộ sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, niêm yết giá nên có độ trễ nhất định nhưng không thể quá lâu. Việc thực hiện các thủ tục đòi hỏi phải có thời gian, nhưng doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh kịp thời để đáp ứng nhu cầu.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, có nhiều yếu tố hình thành nên giá thành vận tải, hay giá thành dịch vụ nói chung. Khi có 1 yếu tố biến động, các đơn vị kinh doanh phải tính toán lại.

Cùng với đó, người bán phải xem xét các yếu tố tâm lý khách hàng rồi cả các đối thủ cạnh tranh. Đối với vận tải đường bộ, chẳng hạn như taxi, người ta sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá, những cái đó cũng có độ trễ nhất định.

"Tôi đồng tình với quan điểm, chúng ta không nên trễ quá" - ông Ngọc bày tỏ - "Những cái đó đòi hỏi thời gian nhưng cũng phải kịp thời để đáp ứng khi nhiên liệu đã giảm rồi, là yếu tố chiếm đến 30% - 40% chi phí cấu thành mà chưa kịp giảm hoặc giảm chậm, như vậy cũng là không đúng".

Ông Ngọc cũng cho biết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải kê khai giá, hoặc đối với những lĩnh vực Nhà nước có quy định về khung giá thì không được tăng giá quá khung. Kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ. Niêm yết giá rồi thì phải thực hiện bán theo giá niêm yết kê khai... Biện pháp mạnh trong thời gian hiện nay và sắp tới là phải tăng cường công tác thanh kiểm tra.

Khi thanh kiểm tra đã phát hiện có vi phạm thì sẽ sử dụng những công cụ về Nghị định, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải để xử lý nghiêm.

Ông Ngọc nói thêm, đối với những đơn vị "chỉ có tăng mà không có giảm", không phù hợp với tình hình nhiên liệu giảm, sẽ áp dụng những quy định pháp luật, có thể phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá, thậm chí các cơ quan chức năng còn có thể thu hồi phù hiệu.

>>>Quy hoạch “đẩy” vận tải xe buýt vào “ngõ cụt”?

>>>Đề xuất xây Hub trung chuyển container: Giảm chi phí vận tải đường bộ

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.

các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải kê khai giá

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải kê khai giá.

Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu.

Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng. Về đường sắt, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng thời gian vừa qua, do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. Và thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá.

"Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Theo ông Sang, phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm.

Ông Sang lý giải, thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian qua, trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý thì mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.

Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu

    02:24, 04/08/2022

  • Quy hoạch “đẩy” vận tải xe buýt vào “ngõ cụt”?

    03:00, 03/08/2022

  • Cách nào nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ?

    20:49, 02/08/2022

  • Vực dậy vận tải xe buýt

    04:00, 02/08/2022

  • Đề xuất xây Hub trung chuyển container: Giảm chi phí vận tải đường bộ

    10:20, 30/07/2022

  • Đề xuất giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

    11:26, 21/07/2022

THY HẰNG