Giá cước vận tải “tăng nhanh, giảm chậm”: Cần sửa nghị định về kê khai giá
Kiến nghị khi các yếu tố đầu vào hình thành giá thay đổi, nếu doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh giá, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xem xét kiến nghị về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Giá cước vận tải là một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành chi phí giá của tất cả các hàng hóa khác. Chính giá cước giảm chậm đã khiến nhiều mặt hàng khác từ xi măng, sắt thép, thậm chí rau cỏ ngoài chợ cũng vin vào lý do này không giảm theo.
Mặc dù Sở GTVT Hà Nội, TP HCM đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp các doanh nghiệp vận tải rà soát các chi phí cấu thành giá, kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu liên tục giảm, tỷ lệ giảm lên đến hơn 20% so với cách đây hơn một tháng.
Tuy nhiên ghi nhận chỉ có vài ba doanh nghiệp kinh doanh taxi “rục rịch” giảm giá nhẹ, trong khi đó giá cước xe khách thậm chí vẫn “đứng yên” với nhiều lý giải như chưa tăng giá cước trước đó, giá tăng chưa đủ bù lỗ thời điểm giá xăng cao…
Lý giải sự chậm trễ, doanh nghiệp cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí. “Chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới nên trước khi quyết định đề xuất tăng, giảm giá cước các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể,” ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội thông tin.
Được biết, mức giá cước hiện tại của hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội là 15.000 đồng/km. Tới đây, sau khi điều chỉnh, mức giá mới sẽ còn từ 14.000 - 14.500 đồng/km, giảm khoảng 7%, gần tương đương với mức giá cước đã tăng, trong khi giá xăng thời điểm này còn ở mức 24.600 đồng/lít (cao hơn 7% so với giá xăng thời điểm các doanh nghiệp taxi đề xuất tăng giá).
>>>Thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận tải "chỉ tăng không giảm giá"
>>>Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu
Do đó, để hạn chế tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” giá cước vận tải như hiện nay, chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành liên quan như tài chính, công thương và địa phương phải tăng cường phối hợp kiểm tra và giám sát.
“Đối với các doanh nghiệp có kinh doanh vận tải phải buộc kê khai giá để kiểm soát được chi phí và giá thành. Đối với các mặt hàng khác, tại siêu thị lớn nếu mặt bằng giá giảm chưa hợp lý cần phải yêu cầu giảm giá. Khi đó, sẽ kéo theo tác động dây chuyền tới các chợ truyền thống bên ngoài”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất.
Trong khi đó, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cho biết, việc giảm giá vé hay không phụ thuộc phần lớn vào kê khai lại của doanh nghiệp.
Ví dụ, tại thời điểm doanh nghiệp kê khai, giá xăng dầu cao nhất là 32.000 đồng, sau đó lại giảm xuống 25.000 đồng. Nếu doanh nghiệp không giảm giá vé đã tăng trước đó là 10% các sở GTVT có thể yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại.
Khi doanh nghiệp kê khai lại, các chi phí đầu vào và xăng dầu có tăng hay giữ nguyên so với mức giá tăng cao nhất của xăng dầu mới tính toán được giá cước vận tải có cao hay không.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng chia sẻ hiện nay chưa có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai lại giá khi giá xăng, dầu giảm. Do đó, khi sửa các nghị định về kê khai giá, có thể kiến nghị bổ sung nội dung: Khi các yếu tố đầu vào hình thành giá thay đổi, nếu doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh giá, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xem xét kiến nghị về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
20:00, 11/08/2022
Thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận tải "chỉ tăng không giảm giá"
14:27, 08/08/2022
Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu
02:24, 04/08/2022
Quy hoạch “đẩy” vận tải xe buýt vào “ngõ cụt”?
03:00, 03/08/2022
Cách nào nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ?
20:49, 02/08/2022