NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 2) Định hướng mới của quản trị công ty

HÀ THU THANH - Chủ tịch HĐQT VIOD, Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam 21/08/2022 16:40

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, doanh nghiệp cần có những định hướng mới trong việc nâng cao năng lực quản trị công ty từ thay đổi tư duy đến tiếp cận các xu hướng toàn cầu.

>>NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 1) Tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh

fd

HÀ THU THANH - Chủ tịch HĐQT VIOD, Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức.

Nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của quản trị hoạt động – quản trị doanh nghiệp, thì thế kỷ 21 là thế kỷ của quản trị công ty (QTCT) và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm.

Ba trụ cột quản trị minh bạch

Theo định nghĩa của World Bank, quản trị công ty là một hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế, và thông lệ quản lý của công ty, cho phép thu hút các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho các cổ đông, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan và xã hội.

Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản: thiết kế hệ thống, xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống đó, và có nhân lực để thực hiện – nói đi đôi với làm. Khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, doanh nghiệp sẽ phát triển được bền vững, bất kể lãnh đạo doanh nghiệp là nam hay nữ, hay lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty, hệ thống quản trị công ty không chỉ nên dừng lại ở cấp độ sơ khởi nhất là tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành, đặc biệt trong một thời kỳ doanh nghiệp chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.

>>Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

Nắm xu hướng toàn cầu

Có hai xu hướng cần nắm bắt. Xu hướng đầu tiên là tích hợp môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chương trình nghị sự của Hội đồng quản trị (HĐQT). Theo đó HĐQT cần thay đổi, hiểu được và nắm bắt những vấn đề lớn theo xu hướng toàn cầu để tăng cường uy tín trong mắt các nhà đầu tư – đó là phát triển bền vững về yếu tố môi trường và xã hội – để có những chiến lược hành động phù hợp.

Khủng hoảng khí hậu là một trong những vấn đề xã hội cấp bách nhất hiện nay. Nền kinh tế Đông Nam Á có nguy cơ đối diện với tổn thất lên đến 28 nghìn tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại) trong vòng 50 năm nữa.

fd

Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức.

Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Thiệt hại kinh tế hàng năm vào khoảng 1,8% GDP khi nhiệt độ tăng lên 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Do vậy, HĐQT các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chiến lược, chính sách và hành động đối phó với cuộc khủng hoảng này từ việc định hình vai trò, trách nhiệm giám sát ESG trong HĐQT, đánh giá cấu trúc quản trị ESG, tích hợp các vấn đề ESG vào chiến lược công ty và thông tin minh bạch, đầy đủ.

Xu hướng thứ hai là định danh – định vị – định hướng văn hóa HĐQT trong xu thế mới. Dù nắm bắt xu thế mới, văn hóa vẫn là điều cần được xây dựng và bồi đắp. Bởi lẽ, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp.

Trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua “cơn bão” của COVID-19. Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Khi khủng hoảng ập đến, nguồn lực tài chính (financial capital) chính là những thứ bị cuốn đi đầu tiên. Tuy nhiên, nguồn lực con người (human capital) nằm trong nguồn lực xã hội được bền vững trên nền tảng của văn hóa doanh nghiệp.

Kỳ 3: Đổi mới sáng tạo, mạnh mẽ để thích nghi

Có thể bạn quan tâm

  • NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 1) Tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh

    NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 1) Tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh

    11:00, 20/08/2022

  • Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

    Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

    14:12, 19/08/2022

  • [TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”

    [TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”

    13:15, 19/08/2022

  • Tiếp sức nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Tiếp sức nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    11:00, 19/08/2022

  • 19/8: Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”

    19/8: Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”

    11:00, 19/08/2022

HÀ THU THANH - Chủ tịch HĐQT VIOD, Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam