Lo “hụt hơi”, ACV đầu tư sân bay thông minh
Việc phục hồi nhanh chóng tại các sân bay cùng nỗi lo "hụt hơi" nguồn lực khi đầu tư tại 21 sân bay đang quản lý và khai thác, ACV đầu tư nâng cấp CNTT, hướng tới sân bay thông minh.
>>>Vì sao Cục Hàng không thu hồi hàng loạt slot bay?
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hàng không Việt Nam đã hồi phục và bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại.
Cụ thể, sản lượng hành khách 8 tháng đầu năm 2022 tại 21 cảng hàng không mà ACV đang khai thác ước đạt hơn 66 triệu hành khách. Trong đó, hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách, tăng 19,9% so với năm 2019. Hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách, giảm 81,5% so với năm 2019 nhưng đã có sự gia tăng qua các tháng.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm hè 2022, sản lượng tăng rõ rệt so với năm 2019. Cụ thể, tháng 4 tăng 19%; tháng 5 tăng 32%, tháng 6 tăng 40%, tháng 7 tăng 42% và tháng 8 tăng 40%.
Nhiều cảng hàng không đã khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa như Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…
Đáng chú ý, 10/7 là ngày có sản lượng hành khách cao nhất (đạt 414.222 khách). Trong đó, sản lượng hành khách nội địa đạt 373.540 khách, vượt qua sản lượng cao nhất đã đạt vào ngày 26/07/2020 là 343.492 khách. Đây cũng là ngày có sản lượng hành khách nội địa cao nhất trong lịch sử khai thác của ACV.
Về sản lượng hàng hoá 8 tháng đầu năm 2022 qua các cảng giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng sản lượng hàng hóa quốc tế/ quốc nội có sự thay đổi nhẹ khi năm 2022 là 79/21, trong khi năm 2019 là 66/34.
Cũng theo ACV, các tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác nội địa đã hồi phục hoàn toàn khi sản lượng cất hạ cánh đã vượt qua mức sản lượng cất hạ cánh cao nhất của năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19), đạt 157.762 lượt CHC (tương đương 103% so với năm 2019).
ACV khẳng định, trong hai năm 2020 và 2021, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so năm 2019. Nguyên nhân do trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không trên toàn thế giới, gây hậu quả tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, nhất là các hãng hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề, do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như dừng hoàn toàn khai thác quốc tế, trong khi thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi ở giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng luôn đạt trên 15% /năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong những tháng cuối năm, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV yêu cầu tăng cường theo dõi, kiểm soát slot tuân thủ đúng quy định, đồng bộ, thống nhất tại các Cảng hàng không để hạn chế áp lực hạ tầng cảng hàng không do dồn chuyến vào các khung giờ cao điểm, kết hợp đảo bảm công tác phòng chống dịch Covid-19.
>>>IPP Air Cargo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam
>>>THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: 5 kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam
Đối với công tác nâng cao chất lượng khai thác, bên cạnh cam kết chất lượng dịch vụ mặt đất (Service Level Agreement - SLA) tại 17 cảng hàng không chi nhánh với các hãng hàng không trong nước, ACV cũng chủ trương triển khai chương trình đánh giá chứng nhận an toàn khai thác mặt đất - IATA Safety Audit for Ground Operations (ISAGO) do Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) thực hiện.
"Điều này nhằm chuẩn hóa hoạt động khai thác mặt đất tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu của ACV trong hệ thống đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất", ông Vũ Thế Phiệt nhấn mạnh.
Theo đó, một trong những trọng tâm được ACV đặt ra là việc đầu tư nâng cấp CNTT tại các cảng hàng không thời gian tới như ứng dụng chuyển đổi số tại các cảng hàng không trực thuộc như hệ thống Kiosk check-in dùng chung, Bagdrop dùng chung, eGate (Self Boarding Gate), nghiên cứu và ứng dụng Biometric (IATA One Id), AI &Big Data, Biometric Technology with Security… nhằm hướng tới sân bay thông minh.
Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2021-2030 khoảng 479.606 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của sân bay giai đoạn 2021-2030 khoảng 403.106 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2019, ACV báo cáo đã bố trí đủ 100% nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư các công trình thiết yếu theo quy hoạch của 21 sân bay do ACV quản lý, khai thác giai đoạn 2021-2025; đồng thời bố trí được hơn 36.000 tỷ đồng từ vốn tích lũy tự có của doanh nghiệp để đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I. Đối với nhu cầu vốn cho các các công trình thiết yếu của các sân bay theo quy hoạch giai đoạn 2026-2030, ACV vẫn tiếp tục đảm bảo dòng tiền để tiếp tục đầu tư.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ACV và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 7/2021, do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng, nên ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển 21 sân bay do ACV đang quản lý, khai thác.
“Vì vậy, giai đoạn 2021-2025, ACV sẽ phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I và các sân bay đang đầu tư như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên”, ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Như vậy, có thể thấy, chuyển hướng vào đầu tư hệ thống công nghệ tại các sân bay chủ lực là giải pháp trước mắt cho việc “hụt hơi” của ACV. Lãnh đạo ACV cho rằng, công tác chuyển đổi số cần tiếp tục triển khai tích cực với trọng tâm xây dựng hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực số và số hóa dữ liệu với các dự án trọng điểm như hạ tầng Private Cloud để phát triển các phần mềm như: ACV Portal, ACDM Portal, ACV DCS, HRM, TCKT, BlackList.
Đồng thời, công cụ làm việc từ xa để thích ứng với tình hình mới trên nền tảng Microsoft Office 365; số hóa các lĩnh vực phục vụ quản trị, điều hành và quản lý khai thác cảng hàng không nhằm hướng tới sân bay thông minh; chuyển đổi và hệ thống hóa dữ liệu từ dạng văn bản, giấy tờ sang định dạng hệ thống dữ liệu lưu trữ điện tử; xây dựng quy trình kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin và an toàn thông tin…
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Cục Hàng không thu hồi hàng loạt slot bay?
00:00, 25/08/2022
IPP Air Cargo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam
00:57, 24/08/2022
Đổi mới tiếp thị hàng không
00:51, 22/08/2022
THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: 5 kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam
13:59, 11/08/2022